Hướng dẫn chi tiết cách tính bảo hiểm thất nghiệp mới nhất năm 2024

Chanh Tươi Review 02 tháng 02, 2024 - 11:54 (GMT +07)   Hướng dẫn chi tiết cách tính bảo hiểm thất nghiệp mới nhất năm 2024

Bảo hiểm thất nghiệp là một khoản tiền cần thiết, hỗ trợ những người lao động khi họ bị mất việc làm. Vậy cách tính bảo hiểm thất nghiệp như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn giải quyết hết những thắc mắc về bảo hiểm thất nghiệp nhé.

cach-tinh-bao-hiem-that-nghiep-1-1663484407

Thông tin cơ bản về bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Căn cứ tại Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013 quy định: “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.

Hay nói cách khác, bảo hiểm thất nghiệp chính là một phần trợ cấp xã hội cho người lao động, giúp họ bớt một phần nào đó gánh nặng về tài chính trong cuộc sống.

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng hiện nay

Theo điều 50, Luật việc làm 2013 và được hướng dẫn chi tiết tại điều 8, Nghị định 28/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.

Điều 8, Nghị định 28/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp hướng dẫn chi tiết như sau:

Điều 8. Mức hưởng và tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động được xác định như sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60%

a) Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 06 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Ví dụ 1: Bà Nguyễn Thị A giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng với trường tiểu học E với mức lương như sau: từ ngày 01/9/2013 đến ngày 31/8/2014 là 2.000.000 đồng/tháng, từ ngày 01/09/2014 đến 31/8/2015 là 4.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, từ ngày 01/1/2015 đến ngày 30/6/2015, bà A nghỉ hưởng chế độ thai sản. Sau đó, do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động vì vậy bà A đã làm đơn xin nghỉ việc theo quy định của pháp luật lao động và ngày 01/7/2015 trường tiểu học E ban hành quyết định nghỉ việc cho bà A, quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Như vậy, mức tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà A là bình quân tiền lương của 06 tháng liền kề trước khi bà nghỉ việc mà có đóng bảo hiểm thất nghiệp (tháng 7, 8, 9, 10, 11, 12/2014). Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của bà A là (2.000.000 đồng x 2 tháng + 4.000.000 đồng x 4 tháng)/6 x 60% = 2.000.000 đồng/tháng.

Ví dụ 2: Ông Đào Văn B có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục 38 tháng (từ ngày 01/01/2012 đến ngày 28/02/2015), mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp 06 tháng cuối trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (từ tháng 9/2014 đến tháng 2/2015) là 8.000.000 đồng/tháng, ông B được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian 03 tháng (thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông B tính từ ngày 05/4/2015 đến ngày 04/7/2015). Ngày 02/5/2015, ông B giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với doanh nghiệp X (mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 7.000.000 đồng/tháng) và thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định. Ông B bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 02/5/2015 và được bảo lưu 26 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Do ốm đau cần phải điều trị dài ngày nên ngày 28/7/2015 ông B thỏa thuận với doanh nghiệp X để chấm dứt hợp đồng lao động và nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lần hai. Sáu tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp để làm căn cứ tính mức trợ cấp thất nghiệp của ông B là các tháng sau: tháng 12/2014 và tháng 01, 02, 5, 6, 7/2015. Như vậy, mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của ông B là (8.000.000 đồng x 3 tháng + 7.000.000 đồng x 3 tháng)/6 x 60% = 4.500.000 đồng/tháng.

b) Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

Ví dụ 3: Ngày 01/01/2015, ông Trịnh Xuân C giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với doanh nghiệp F với mức lương là 70.000.000 đồng/tháng. Doanh nghiệp F hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ là 3.100.000 đồng/tháng. Do đó, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông C là: 20 lần x 3.100.000 đồng = 62.000.000 đồng/tháng.

Ngày 28/9/2015, ông C thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp F và chuyển sang giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 03 tháng với doanh nghiệp G (từ ngày 01/10/2015 đến 31/12/2015) với mức lương là 80.000.000 đồng/tháng. Doanh nghiệp G có trụ sở chính hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV, áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ là 2.150.000 đồng/tháng nhưng ông C không làm việc tại trụ sở chính mà làm việc tại chi nhánh, chi nhánh này hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III, áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ là 2.400.000 đồng/tháng. Do đó, ông C tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp tại tổ chức bảo hiểm xã hội nơi chi nhánh hoạt động với mức lương là: 20 lần x 2.400.000 đồng = 48.000.000 đồng/tháng.

Hết hạn hợp đồng lao động với doanh nghiệp G, ông C nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, 60% mức tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề trước khi ông C chấm dứt hợp đồng lao động là: (62.000.000 đồng x 3 tháng + 48.000.000 đồng x 3 tháng)/6 x 60% = 33.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo quy định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông C tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm ông chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của ông C là 12.000.000 đồng/tháng (2.400.000 đồng x 5 lần = 12.000.000 đồng/tháng).

2. Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo tháng dương lịch. Mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 50 Luật Việc làm đến ngày đó của tháng sau trừ 01 ngày.

Ví dụ 4: Ông Cao Văn D được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông D tính từ ngày 11/3/2015 đến ngày 10/6/2015. Như vậy, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông D được xác định như sau:

  • Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất từ ngày 11/3/2015 đến hết ngày 10/4/2015;
  • Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai từ ngày 11/4/2015 đến hết ngày 10/5/2015;
  • Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba từ ngày 11/5/2015 đến hết ngày 10/6/2015.

3. Trình tự, thủ tục, hình thức chi trả trợ cấp thất nghiệp theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

 

Tra cứu bảo hiểm thất nghiệp như nào?

Người lao động có thể nắm bắt được các thông tin về khoản bảo hiểm thất nghiệp của  mình cũng như có thể kiểm tra quá trình tham gia bảo hiểm thông qua việc tra cứu bảo hiểm thất nghiệp. Và mục đích chính của quá trình này là bảo đảm tốt nhất quyền lợi của chính người lao động. 

Sau đây tôi sẽ giới thiệu tới các bạn các cách tra cứu bảo hiểm thất nghiệp đơn giản, nhanh chóng nhất:

1. Cách 1: Tra cứu tại trang Web Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Để có thể tra cứu một cách dễ dàng và thuận lợi, người dùng thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập website của Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại đây

Bước 2: Thực hiện theo yêu cầu của hệ thống → chọn Lấy mã OTP → đợi gửi mã về điện thoại rồi điền vào.

cach-tinh-bao-hiem-that-nghiep-3-1663486180

Bước 3:  Nhập mã OTP → chọn Đăng nhập

Bước 4: Điền mã số BHXH cần truy cứu → Tôi không phải là người máy → chọn Tra cứu

cach-tinh-bao-hiem-that-nghiep-4-1663486333

2. Cách 2: Tra cứu bảo hiểm thất nghiệp tại VssID

Bước 1: Tải ứng dụng VssID về máy

Link tải VssID cho iOS - Link

Link tải VssID cho Android - Link

Bước 2: Đăng nhập tài khoản VssID. Nếu chưa có tài khoản bạn cần đăng ký tài khoản

cach-tinh-bao-hiem-that-nghiep-5-1663486623

Bước 3: Ấn mục Quản lý cá nhân → Chọn mục Quá trình tham gia

cach-tinh-bao-hiem-that-nghiep-6-1663486776

Bước 4: Giao diện sẽ hiển thị ra các loại bảo hiểm, bạn ấn chọn Bảo hiểm thất nghiệp.

cach-tinh-bao-hiem-that-nghiep-7-1663486908

3. Cách 3: Tra cứu bằng tin nhắn điện thoại SMS

Bước 1: Chọn ứng dụng Tin nhắn trên điện thoại của bạn

Bước 2: Soạn tin theo cú pháp:

  • Nếu tra cứu thời gian tham gia BHTN:  BH QT Mã số BHXH gửi 8079.
  • Nếu tra cứu tình trạng hồ sơ BHTN đã nộp: BH HS Mã hồ sơ gửi 8079.
  • Nếu tra cứu thời gian tham gia BHTN theo năm: BH QT Mã số BHXH Từ năm Đến năm gửi 8079.
  • Nếu tra cứu thời gian tham gia BHTN theo khoảng thời gian: BH QT Mã số BHXH Từ tháng - năm Đến tháng năm gửi 8079.
cach-tinh-bao-hiem-that-nghiep-8-1663487427

4. Cách 4: Tra cứu trong sổ BHXH

Việc tra cứu bảo hiểm thất nghiệp trong sổ BHXH là cách tra cứu dễ dàng nhất cho những ai đang giữ BHXH.

cach-tinh-bao-hiem-that-nghiep-9-1663487636

5. Cách 5: Tra cứu bảo hiểm thất nghiệp bằng cách gọi tổng đài

Có lẽ đây là cách tra cứu bảo hiểm mà các bậc phụ huynh hay làm nhất. Để có thể tra cứu bảo hiểm thất nghiệp bằng cách này, bạn cần chuẩn bị sẵn mã số BHXH để khi gọi cho tổng đài bạn chỉ cần đọc mã BHXH đó là họ sẽ cho bạn biết thông tin mà bạn cần.

Cần đáp ứng những điều kiện nào để hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định của Luật Việc làm 2013, các đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay bao gồm: Những người lao động làm việc theo hợp đồng hoặc hợp đồng làm việc với điều kiện phải là công dân Việt Nam; không phải công dân Việt Nam sẽ không được hưởng hỗ trợ này. 

Điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp

Để có thể nhận bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

1. Phải chấm dứt hợp đồng lao động. Trừ trường hợp mà người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc hợp đồng này trái với pháp luật. 

2. Trước khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động đã đóng mức bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng đến 24 tháng.

3. Đối với loại hợp đồng mà theo thời vụ hoặc là công việc có thời hạn ngắn thì người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng làm việc. 

4. Người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

5. Người lao động chưa tìm được việc làm trong 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên trừ các trường hợp như: thực hiện nghĩa vụ quân sự; bị tạm giam, chấp hành án phạt tù….

Để hiểu kỹ hơn về điều kiện này, mời bạn đọc khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm 2013 nhé.

Điều kiện được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm

Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm là một trong những chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động sẽ được hưởng khi bị mất việc làm. Tuy nhiên để để hưởng chế độ này, người lao động cần có những điều kiện sau:

  • Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc
  • Người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp 

Nơi mà thực hiện hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp đó là bất kỳ trung tâm dịch vụ việc làm nào mà người lao động muốn. Và khi đến trung tâm nghe tư vấn, giới thiệu việc làm thì người lao động sẽ không phải trả bất kỳ khoản phí nào. 

Điều kiện hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm có mối liên quan khá lớn đến việc quyết định  người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không. Nếu như trong trường hợp, người lao động từ 3 lần nhận được sự hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm của trung tâm nhưng lại không đi làm việc thì hồ sơ trợ cấp thất nghiệp sẽ bị huỷ ngay lập tức. 

Điều kiện được hỗ trợ học nghề

Theo quy định của pháp luật Việt Nam cụ thể là Điều 55 Luật Việc Làm 2013 đã chỉ rõ điều kiện được hỗ trợ học nghề của người lao động khi thất nghiệp bao gồm:

  • Thứ nhất, đã chấm dứt hợp đồng lao động, tuy nhiên trừ một số trường hợp khác luật quy định ví dụ như đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. 
  • Thứ hai, người lao động đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng làm việc.
  • Thứ ba, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ, trừ một số trường hợp khác chẳng hạn như thực hiện nghĩa vụ quân sự, ra nước ngoài định cư hoặc chết…
  • Thứ tư, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. 
cach-tinh-bao-hiem-that-nghiep-10-1663553046

Điều kiện được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm

Điều kiện được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm hiện nay đã được cụ thể hoá tại Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm 2013. Theo đó để được hưởng chế độ bảo hiểm trên, người lao động cần đáp ứng những điều kiện sau:

1. Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ đủ 12 tháng trở lên.

2. Công ty hay doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số người lao động 

3.  Công ty không có đủ kinh phí để tiếp tục hỗ trợ, đào tạo người lao động 

4. Có phương án đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Cách tính bảo hiểm thất nghiệp mới nhất 2024

Công thức tính bảo hiểm thất nghiệp

Công thức tính bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được tính như sau:

Mức trợ cấp thất nghiệp = 60% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp

Đối với những người lao động mà tiền lương do nhà nước chi trả thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở.

Còn đối với người lao động mà chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ khác nhau theo mỗi vùng tuỳ thuộc vào mức sống của từng vùng: 

  • Vùng I: mức trợ cấp là 22,1 triệu đồng/tháng
  • Vùng II: mức trợ cấp là 19,6 triệu đồng/tháng
  • Vùng III: mức trợ cấp là 17,15 triệu đồng/ tháng
  • Vùng IV: mức trợ cấp là 15,35 triệu đồng/tháng

Ví dụ cách tính bảo hiểm thất nghiệp

Ví dụ: Bà X làm trong cơ quan nhà nước và đã đóng bảo hiểm được 12 tháng  với mức lương trung bình 6 tháng cuối là 17 triệu đồng. Cách tính hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Mức trợ cấp thất nghiệp theo công thức trên là: 60% x 17 = 10,2 triệu đồng/tháng

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa = 5 x 1.49 = 7,45 triệu đồng/tháng

Có lẽ đến đây, đã giải đáp được những thắc mắc của các bạn về cách tính bảo hiểm thất nghiệp rồi. Vậy làm thế nào để nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp? Hãy tham khảo nội dung dưới đây tiếp nhé!

Quá trình nộp bảo hiểm thất nghiệp cần chuẩn bị gì?

Hồ sơ cần có và địa điểm nộp hồ sơ

Khi đi nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp, người lao động càn chuẩn bị những giấy tờ sau:

  • Sổ bảo hiểm xã hội
  • Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp 
  • Giấy tờ chứng minh giữa người lao động và người sử dụng lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thôi việc
  • Căn cước công dân
  • Sổ hộ khẩu photo kèm theo bản gốc để đối chiếu
  • 2 ảnh chụp 3x4 ( trong vòng 3 tháng gần đây)

Địa điểm nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp: Trung tâm dịch vụ Việc làm tại địa phương người lao động sinh sống trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp  đồng lao động. Nếu như quá 3 tháng mà người lao động không tiến hành thủ tục làm và nộp hồ sơ thì đồng nghĩa với việc sẽ không được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp.

Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Sau đây là thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương. Những giấy tờ cần chuẩn bị trong hồ sơ thì mời bạn xem lại phần trên. 

Bước 2: Trung tâm dịch vụ việc làm trả kết quả

Từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm nhận đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 20 ngày, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong trường hợp nếu như mà người lao động không đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời cho người lao động bằng văn bản để họ biết nắm rõ tình hình. 

Bước 3: Thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp

Theo Điều 46 Luật Việc làm 2013 quy định: Trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của cơ quan có thểm quyền, tổ chức bảo hiểm xã hội phải thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu cho người lao động kèm theo thẻ Bảo hiểm y tế. 

Cách nhận bảo hiểm thất nghiệp

Thông thường, người lao động sẽ đến tự mình đi nhận bảo hiểm thất nghiệp nhưng trong 1 vài trường hợp, người lao động vì một số lý do bất khả kháng mà không thể đi được buộc phải uỷ quyền cho người khác lấy hộ mình.

Và điều kiện người lao động được phép uỷ quyền cho người khác nộp hồ sơ và gửi hồ sơ trong các trường hợp sau:

  • Người lao động ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế
  • Bị tai nạn có xác nhận của cảnh giác giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền
  • Hoả hoạn, động đất, lũ lụt, sóng thần, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Ngoài ra, khi thực hiện thủ tục uỷ quyền cho người khác, người lao động cần bổ sung những loại giấy tờ như:

  • CCCD hoặc CMND của người được uỷ quyền
  • Giấy uỷ quyền nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp 
  • Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người uỷ quyền bao gồm các loại giấy tờ mà tôi đã đề cập ở phần trên của người lao động như sổ bảo hiểm xã hội chính chủ, quyết định nghỉ việc; CCCD của người uỷ quyền; đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Và phần lớn hiện nay các Trung tâm dịch vụ việc làm trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động thông qua tài khoản ngân hàng. Vì thế khi đến nộp hồ sơ người lao động cần phải chuẩn bị tài khoản ngân hàng để được nhận tiền trợ cấp.

Điều này rất thuận tiện vừa giúp cho người lao động không phải mất thời gian, công sức vừa giúp cho những người trả tiền đỡ các thủ tụ rắc rối lằng nhằng. 

Trên đây là toàn bộ những thông tin về cách tính bảo hiểm thất nghiệp cũng như các thủ tục để người lao động hưởng chế độ. Hy vọng sẽ giúp phần nào rắc rối cho người lao động. 

Bình luận 0 Bình luận

Gửi bình luận
phuongthao
Tác giả: Chanh Tươi Review
Đội ngũ biên tập
Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Chanh Tươi Review

Thông báo