Kem chống nắng là gì? Cách Chanh đánh giá và chọn kem chống nắng
Kem chống nắng là gì? Làm thế nào chọn đúng tuýp kem chống nắng phù hợp với cơ địa da của mình? Đây chắc là băn khoăn không chỉ của riêng team Chanh Tươi Review khi đứng giữa tá vô số những sản phẩm kem chống nắng trôi nổi trên thị trường.
Hè đến gần đồng nghĩa với việc da của chúng ta cũng dễ bị cháy nắng và tổn thương hơn bao giờ hết và lúc này, ngoài biện pháp che chắn vật lý thì kem chống nắng chính là cứu tinh.
Và đâu là cách Chanh chọn đúng được kem chống nắng cho mình, đi cùng Chanh qua bài viết này nhé!
Một vài ý về thành phần kem chống nắng
Kem chống nắng là gì?
Kem chống nắng là một loại dưỡng da có tác dụng hấp thụ hoặc phản xạ một lượng tia UV (tia cực tím) từ ánh sáng mặt trời, từ đó giúp da bảo vệ da, hạn chế được các tác động đến từ ánh nắng.
Thành phần chống nắng và cách phân loại kem chống nắng
Kem chống nắng sử dụng cơ chế dùng các bộ lọc UV giúp bảo vệ da khỏi tác hại của của tia UV bằng cách hấp thụ, phản xạ hoặc tán xạ chúng. Bộ lọc UV có thể được chia làm 2 loại chính:
- Thành Phần Hóa Học (Soluble UV Filters): Còn gọi là bộ lọc UV hòa tan. Chúng hoạt động bằng cách hấp thụ tia UV chuyển đổi thành nhiệt sau đó tỏa ra khỏi da. Các thành phần này thường không màu và dễ sử dụng, nhưng có thể gây kích ứng và ảnh hưởng đến môi trường.
- Thành Phần Vật Lý (Insoluble UV Filters): Còn gọi là bộ lọc UV không hòa tan. Chúng hoạt động bằng cách phản xạ và tán xạ tia UV ra khỏi bề mặt da. Các thành phần này ít gây kích ứng và bền vững, nhưng có thể để lại vệt trắng và cảm giác nặng trên da.
Từ đó, kem chống nắng được chia làm 3 loại:
- Kem chống nắng thuần vật lý chỉ sử dụng các thành phần chống nắng vật lý (Insoluble UV Filters) như Zinc Oxide và Titanium Dioxide. Chúng ít kích ứng, an toàn cho da nhạy cảm, phù hợp với cả trẻ em, ổn định dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, chúng có thể để lại vệt trắng và cảm giác nặng trên da.
- Kem chống nắng thuần hóa học chỉ sử dụng các thành phần chống nắng hóa học (Soluble UV Filters) như Avobenzone, Octocrylene, Bemotrizinol (Tinosorb S), Bis-Ethylhexyloxyphenol Methoxyphenyl Triazine (Tinosorb S), Drometrizole Trisiloxane (Mexoryl XL), Ecamsule (Mexoryl SX)… Sản phẩm này sẽ nhẹ, trong suốt, dễ thoa, dễ thẩm thấu và không để lại vệt trắng. Tuy nhiên, chúng lại có thể gây kích ứng cho da nhạy cảm và 1 vài thành phần ảnh hưởng xấu đến đời sống biển.
- Kem chống nắng vật lý lai hóa học sử dụng cả hai loại thành phần chống nắng vật lý và hóa học để cung cấp sự bảo vệ toàn diện. Chúng cung cấp được sự bảo vệ phổ rộng, hạn chế được các khuyết điểm trên nhưng giá thành khá cao.
Chỉ số đánh giá hiệu quả của kem chống nắng
Kem chống nắng có 2 chỉ số quan trọng mà bạn cần quan tâm khi lựa chọn: SPF và PA.
- SPF (Sun Protection Factor)
Chỉ số SPF này đo khả năng chống tia UVB. SPF càng cao thì da càng được bảo vệ khỏi tia UVB càng tốt. Tuy nhiên, thời gian bảo vệ không tăng tuyến tính với chỉ số SPF. Ví dụ, SPF 15 chặn khoảng 93% UVB, SPF30 chặn khoảng 97% và SPF50 chặn khoảng 98%.
- PA (Protection Grade of UVA)
PA đo khả năng chống tia UVA. Hệ thống đánh giá này được phát triển tại Nhật Bản, gồm các mức độ PA+, PA++, PA+++, và PA++++, với mỗi dấu "+" thể hiện mức độ bảo vệ ngày càng tốt hơn.
Một số kem chống nắng không ghi chỉ số PA mà thay vào đó là các ký hiệu như UVA-UVB, UVA/UVB, UVA1, UVA2 hoặc ký hiệu riêng của thương hiệu/quốc gia. Ví dụ như SPF 60-12 có nghĩa là SPF 60 và PA+++.
Đối với kem chống nắng của các thương hiệu từ Anh, Mỹ hay một số quốc gia châu Âu, thường không thấy ghi chỉ số PA mà chỉ có dòng chữ "Broad Spectrum" hoặc "Full Spectrum" - có nghĩa là bảo vệ cả tia UVA và UVB.
Bảo vệ da là bảo vệ khỏi tia UVA lẫn UVB. Như bảng trên thì hầu hết các thành phần chống nắng hóa học “thiên về UVB”. Điều này có nghĩa là chúng sẽ làm tốt việc bảo vệ da khỏi cháy nắng nhưng không đủ khả năng chống lại tia UVA gây ung thư da và lão hóa sớm. Đây là điều bất cập, bởi tia UVA chiếm 95% lượng tia UV chiếu đến da.
ZinC Oxide được xác định là chất an toàn, và cũng là màng lọc tia UV được đánh giá cao, ngăn chặn được cả UVA lẫn UVB.
Vào tháng 5 năm 2022, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy 51 kem chống nắng phổ biến của Mỹ thì phần lớn đều có chỉ số thấp hơn số công bố, chỉ bằng khoảng 42% con số được thông cáo trên nhãn sản phẩm. Điều này có nghĩa là nếu con số công bố là 50, thì con số thực tế chỉ khoảng là SPF21.
Cũng trong cùng nghiên cứu đó, mặc dù có dán nhãn là Broad-Spectrum nghĩa là chúng bảo vệ được da trước cả tia UVA lẫn UVB. Nhưng thực tế, khi đo lường mức độ bảo vệ của kem chống nắng đó trước ia UVA thì chúng vẫn thấp hơn đáng kể so với công bố.
Nguồn: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34601762/
Hiểu rằng việc chống nắng hằng ngày chính là chìa khóa để ngăn ngừa cháy nắng, ung thư da và lão hóa sớm. Nhưng, làm thế nào để chắc rằng bạn chọn đúng kem chống nắng?
Tips ước lượng chỉ số chống nắng thông qua bảng thành phần
Cả Viện da liễu Mỹ lẫn Hiệp hội da liễu Canada đều khuyến nghị nên chọn các sản phẩm kem chống nắng có SPF tối thiểu là 30.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhãn SPF trên bao bì không phải là con số có thể tin tưởng được như trong nghiên cứu đã chỉ ra trước đó. Các bài test gần đây đều cho thấy rằng kem chống nắng không đáp ứng được hiệu quả trong việc chống tia UVA. Chỉ số SPF cũng không được đáng tín khi có thể thêm các thành phần tăng cường và các chất chống đỏ.
Tuy nhiên, nếu bạn biết nồng độ hoạt chất trong kem chống nắng, bạn có thể ước lượng con số SPF dựa trên dữ liệu từ các công cụ mô phỏng kem chống nắng. Đây là bạn mà bạn có thể sử dụng để tính toán con số SPF:
Màng lọc | SPF/1% |
ZinC Oxide | 1.6 |
Titanium Dioxide | 2.6 |
Như vậy, nếu công thức chứa 20% Zinc Oxide bạn sẽ có một con số lý tưởng là 32. Nếu đó là 15% Zinc Oxide, 5% Titanium Dioxide thì sẽ có SPF là 37.
ZinC Oxide tối thiểu 15% chính là công thức tốt nhất để bảo vệ tia UVA. Điều này có nghĩa bạn sẽ có 2 phương án:
- 20-25% ZinC Oxide
- 15-20% ZinC Oxide +>5% Titanium Dioxide
Hãy nhớ, tránh các loại kem chống nắng có:
- Ít hơn 15% ZinC Oxide
- Chỉ chứa duy nhất màng lọc UVB
- Chứa thành phần tăng cường chống nắng như: Butyloctyl salicylate and tridecyl salicylate
- Thành phần có hại cho con người và môi trường: homosalate and octisalate
Cách Chanh đánh giá và chọn kem chống nắng
→ Xác định mục đích, nhu cầu
Với kem chống nắng thì:
- Khả năng chống nắng của sản phẩm
- Kết cấu và độ hoàn thiện trên da
Ngoài ra dựa trên đặc điểm của làn da sẽ có thêm một vài nhu cầu, hãy xác định rõ, nhu cầu là gì. Ví dụ:
- Khả năng kiềm dầu với da dầu
- Dưỡng ẩm với da khô
- Tránh xa các thành phần gây kích ứng với da nhạy cảm
- Khả năng phục hồi da với da treatment
- Kháng mồ hôi, kháng nước nếu cần cho hoạt động ngoài trời, đi biển
- Nâng tone khi muốn ra ngoài gọn nhẹ mà vẫn có làn da tươi sáng
- Chống nắng vật lý với mẹ bầu và trẻ em
Hãy xác dịnh rõ mục đích, nhu cầu, mong muốn của mình để chọn kem chống nắng, càng xác định rõ, càng mô tả chi tiết, bạn càng dễ dàng chọn đúng sản phẩm mình cần.
→ Xác định tiêu chí chọn theo nhu cầu
Lúc này, bắt đầu xây dựng tiêu chí theo nhu cầu ở trên. Ví dụ với làn da khô cần tìm kem chống nắng, bạn sẽ cần xây dựng bộ tiêu chí với các nội dung sau:
Khả năng chống nắng với:
- Bao bì sản phẩm có các tiêu chí SPF, PA/UVA/phổ rộng
- Thành phần chống nắng vật lý ít gây khô da như Zinc Oxide, Titanium Dioxide và các thành phần chống nắng hóa học có đặc tính dưỡng ẩm như Tinosorb S, Avobenzone…
- Test mức độ chống nắng bằng thẻ UV và đèn chiếu đạt chuẩn
Khả năng dưỡng ẩm với:
- Ưu tiên thành phần dưỡng ẩm như ceramides, hyaluronic acid, glycerin, shea butter
- Tránh các thành phần gây khô da hoặc kích ứng như oxybenzone, octinoxate
- Test bằng máy đo độ ẩm không gây khô da
Đánh giá khác về thành phần:
- Thành phần không chứa sulfate, cồn, parabens
Trải nghiệm sản phẩm:
- Bao bì dễ lấy, dễ bảo quản
- Kết cấu mỏng nhẹ, dễ thẩm thấu, không nhờn rít
- Dễ tán, không vón
- Finish trên da đẹp
- Kiềm dầu => test bằng giấy thấm dầu sau khoảng 2-4 tiếng
- Chống nước => test bằng cách khuấy hoặc nhỏ nước lên mặt
Đánh giá khác
- Giá
- Thương hiệu
→ Đánh giá chung lần 1 qua thông tin sản phẩm và mô tả
Đọc mô tả sản phẩm và xác định xem sản phẩm đó có phù hợp với làn da của mình theo thông cáo của sản phẩm không. Thường sản phẩm sẽ có note rõ đặc trưng của sản phẩm kèm loại da phù hợp.
→ Đánh giá lần 2 qua bảng thành phần của sản phẩm và đối chiếu với thông tin đánh giá chung
Đánh giá lại thông tin bằng cách tra cứu và đọc bảng thành phần. Nếu bảng thành phần không được tốt, thông tin bảng thành phần không khớp được với mô tả chung, hay thậm chí là không tìm được bảng thành phần, bảng thành phần có tên thành phần không theo chuẩn INCI thì bạn cứ thẳng tay loại bỏ sản phẩm đó ra khỏi watchlist.
- Đánh giá màng lọc chống nắng đủ UVA, UVB
- Tìm kiếm tỷ lệ % hoặc ước lượng chỉ số chống nắng SPF
- Luôn chọn sản phẩm có các thành phần chống nắng nằm ở đầu bảng thành phần, nếu nó nằm tập trung ở giữa hoặc cuối bảng thành phần cũng sẽ thẳng tay loại bỏ.
→ Chọn sản phẩm và đánh giá lần 3 qua việc test trải nghiệm sản phẩm trên da
Chanh chọn sản phẩm theo list đánh giá ở trên và trải nghiệm sản phẩm đánh giá lại theo check list ở mục 2 và cho điểm sản phẩm.
→ Xem xét đánh giá lần 4 qua đội CTV test thử sản phẩm
Chuyển sản phẩm và lấy thêm dữ liệu test từ đội ngũ CTV
→ Đối chiếu với phản hồi về kích ứng do sản phẩm trên review các trang TMĐT
Thường dữ liệu phản hồi về việc kích ứng Chanh sẽ tham khảo thêm từ các đánh giá chưa tốt trên trang TMĐT và đối chiếu với lượt bán của sản phẩm đó.
Và cuối cùng là đưa ra kết luận bằng bài review trên site.
Một số câu hỏi thường gặp
1. Kem chống nắng chỉ số càng cao - chống nắng càng tốt?
Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi chọn kem chống nắng còn căn cứ vào đặc điểm da và mục đích sử dụng. Ví dụ, làm việc văn phòng và rất ít tiếp xúc ánh nắng thì chỉ nên chọn sản phẩm có chỉ số SPF từ 25 đến 35 và PA ++. Ngược lại, nếu bạn vận động liên tục ngoài trời như các hoạt động thể thao, đi biển thì nên chọn chỉ số SPF50+ và PA++++.
2. Chỉ cần là kem chống nắng thì da nào dùng cũng được?
Câu trả lời là: Không. Vì thực tế mỗi loại da sẽ có những đặc điểm khác nhau và phù hợp với từng dòng sản phẩm khác nhau. Ví dụ nếu da khô bạn cần dùng dòng nhiều dưỡng ẩm, nếu da mụn bạn cần dùng sản phẩm có kháng khuẩn, nếu da dầu cần sản phẩm kiềm dầu.
3. Kem chống nắng có thể dùng chung cho cả vùng mặt và toàn thân?
Bạn có thể dùng sản phẩm mặt cho body nhưng không nên làm ngược lại bởi vùng da mặt thường mỏng và dễ bị kích ứng. Và khi dùng kem chống nắng của mặt cho body thì có thể hơi “xót ví”.
4. Bạn nghĩ: Chỉ cần thoa kem chống nắng xong là có thể ra ngoài ngay?
=> Sự thật là: Để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất, các bạn nên thoa kem chống nắng 20 phút trước khi ra nắng. Bởi lẽ bất cứ loại kem chống nắng nào cũng phải mất từ 20-30 phút để có thể thẩm thấu và tạo ra bức tường ngăn chặn tia tử ngoại nhằm bảo vệ da tốt nhất.
5. Làm việc văn phòng, không tiếp xúc nhiều với ánh nắng nên không cần thoa nhiều lần?
=> Sự thật là: Tia cực tím vẫn có thể bị hấp thu và phản chiếu qua mặt đất, gương, nước, kính cửa sổ,… và làm tổn hại đến da. Vì vậy, dù có làm việc văn phòng hoặc không ra ngoài cả ngày tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời thì bạn vẫn nên thoa kem chống nắng mỗi ngày, 2-3 tiếng thoa lại một lần.
6. Kem chống nắng có khả năng " chống thấm nước"?
=> Sự thật là: Kem chống nắng “ chống thấm nước” chỉ có thể chịu được nước và bám lại trên da lâu hơn so với các sản phẩm khác mà thôi. Tốt nhất vẫn là vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ 40 – 45 phút thoa lại một lần để bảo vệ làn da.
Kem chống nắng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng thường xuyên và đúng cách sẽ giúp bạn sở hữu làn da khỏe đẹp, mịn màng và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm. Bài viết này giúp bạn có được những kiến thức cơ bản cần biết về kem chống nắng là gì và cách đội ngũ Chanh Tươi Review đánh giá các sản phẩm trước khi chia sẻ tới các bạn.
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Chúng tôi sẽ gửi đường link lấy lại mật khẩu vào Email của bạn. Vui lòng nhập chính xác Email:
Bình luận 0 Bình luận