"Bỏ túi" TOP kinh nghiệm chọn mua iPhone cũ năm 2024
Nhắc đến iPhone, chúng ta không còn quá xa lạ với dòng sản phẩm điện thoại thông minh rất được ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, một phần vì mức giá khá cao của chúng mà nhiều người tiêu dùng hiện nay bắt đầu tìm mua những chiếc iPhone đã qua sử dụng với giá "mềm" hơn rất nhiều. Cùng mình "bỏ túi" những mẹo bên dưới để có thể chọn cho mình những chiếc dế thật chất lượng nhé
1. Chọn mặt gửi vàng những cửa hàng kinh doanh điện thoại cũ uy tín
1.1. Chọn lọc và tìm hiểu thông tin của cửa hàng
Đây là bước đầu tiên nhưng cũng là bước dễ nản nhất của rất nhiều người đang có nhu cầu muốn sắm iPhone cũ, trong đó có mình. Tính riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), hiện nay số cửa hàng kinh doanh điện thoại cũ, đặc biệt là iPhone là rất nhiều, đi kèm với đó là đa dạng chính sách bán hàng và bảo hành. Nếu bạn không có người quen chuyên về mảng này (hay đang kinh doang mảng này) thì lựa chọn ít rủi ro nhất là đến mua ở những cửa hàng có tên tuổi, dù giá sẽ cao hơn thị trường một chút, nhưng ít ra bạn sẽ an tâm và có thể phản hồi, khiếu nại khi gặp sự cố. Sau đây mình sẽ liệt kê một vài cửa hàng nổi tiếng ở TP.HCM mà bạn có thể đến tham khảo.
1.1.1. Hệ thống bán lẻ Thegioididong
XEM NGAY TOP IPHONE CŨ GIÁ RẺ BÁN CHẠY TẠI TGDD
Đây là chuỗi cửa hàng bán lẻ mà đa phần chúng ta đều nghĩ tới khi muốn mua thiết bị di động. Khi mua tại các cửa hàng này, các dòng máy cũ đều nằm trong thời gian bảo hành chính hãng nên giá cũng chênh lệch không quá nhiều so với máy mới. Tùy vào thời hạn bảo hành còn lại và tình trạng máy mà mỗi chiếc máy sẽ được niêm yết với giá khác nhau. Ngoài ra, dựa vào độ phủ rộng khắp cả nước của chuỗi các cửa hàng này mà khách hàng mua ở tỉnh lẽ vẫn có thể tiếp cận dễ dàng và đem đi bảo hành khi máy gặp sự cố.
1.1.2. Hệ thống bán lẻ FPT
XEM NGAY TOP IPHONE CŨ GIÁ RẺ BÁN CHẠY TẠI FPT
Cũng giống như Thegioididong, chuỗi cửa hàng FPT cũng là một trong những nơi kinh doanh mặt hàng điện thoại iPhone đã qua sử dụng nhưng vẫn còn thời hạn bảo hành, trong tình trạng gần như mới. Và tất nhiên, giá cũng sẽ cao hơn mặt bằng chung một xíu, nhưng đổi lại là bạn sẽ tiết kiệm được kha khá chi phí, nếu so với việc mua thẳng một chiếc máy mới 100%.
1.1.3. Hệ thống CellphoneS
Trong những năm gần đây, CellPhoneS nổi lên như là một "thế lực" mới trong ngành kinh doanh điện thoại di động. Với hàng loạt chính sách khuyến mãi và ưu đãi khác nhau dành cho máy cũ, đặc biệt là bạn có thể đổi trả trong vòng 30 ngày và mua thêm gói bảo hành mở rộng lên đến 12 tháng.
XEM NGAY TOP IPHONE CŨ GIÁ RẺ BÁN CHẠY TẠI CELLPHONES
1.1.4. Một số cửa hàng khác
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số cửa hàng kinh doanh điện thoại khác như Hoàng Phát 360, Hoàng Kiên Mobile hoặc Halo Shop. Tuy nhiên, để có được đánh giá một cách khách quan nhất, bạn phải chịu khó tìm hiểu thông tin về các cửa hàng này để đảm bảo rằng dịch vụ chăm sóc khách hàng trước và sau bán hàng là ổn, đặc biệt là khi có sự cố về chiếc điện thoại phát sinh. Mình có một số mẹo như sau, tuy không nói lên được tất cả, nhưng chí ít cũng sẽ phản ánh được thái độ phản hồi khách hàng cũng như xử lý vấn đề của họ. Cụ thể:
- Đánh giá trên Google: Những cửa hàng có xu hướng thông tin cụ thể trên bản đồ Google sẽ ít nhiều nhận được phản hồi từ nhiều phía. Thông thường, bạn hãy vào đọc những đánh giá cho điểm xấu (1 đến 2 sao) để xem khách hàng nói gì về cửa hàng. Nếu nhiều ý kiến đều xoay quanh 1 vài chủ đề chính, chẳng hạn như thái độ nhân viên không tốt, thì khả năng cao là dịch vụ chăm sóc khách hàng chưa được chú trọng, và nếu có thời gian ghé qua, hãy đến trực tiếp để cảm nhận. Ngoài ra, cách cửa hàng trả lời những bình luận tiêu cực cũng là điểm cần lưu ý để đánh giá thái độ cầu thị của chính cửa hàng đó.
- Đánh giá trên các mạng xã hội: Tương tự như khi tham khảo trên Google, bạn cũng có thể tham khảo qua các fanpage chính thức của cửa hàng qua mạng xã hội thịnh hành nhất hiện nay tại Việt Nam là Facebook. Một cửa hàng tốt, thì ngay từ bước đầu là chăm sóc fanpage và chăm sóc khách hàng (quen lẫn tiềm năng) phải được chú trọng. Nếu fanpage quá sơ sài và ít bài đăng (hoặc lâu mới ra bài), hay bạn trực tiếp inbox nhưng phản hồi chậm, cung cấp ít thông tin thì bạn cũng nên cân nhắc để lựa chọn nhé!
1.2. Liên hệ trực tiếp cửa hàng
Sau khi đã rút gọn được danh sách các cửa hàng mà bạn đánh giá là "ổn", bước tiếp theo cũng không kém phần quan trọng là gọi điện hoặc ghé trực tiếp đến cửa hàng để trải nghiệm dịch vụ ở đấy. Sau đây là một số điều mình rút ra được từ những lần mua điện thoại của mình:
1.2.1. Dịch vụ qua điện thoại
Qua những lần nói chuyện trực tiếp với nhân viên chăm sóc khách hàng qua điện thoại, chúng ta sẽ đánh giá phần nào đó về thiện chí chăm sóc khách hàng của cửa hàng đó. Nếu như bạn gọi vài lần mà bên kia vẫn chưa kết nối được (trong một vài ngày khác nhau), điều ấy phản ánh rằng hệ thống thông tin khách hàng qua điện thoại vẫn chưa được triển khai tốt, và nếu sau này bạn gặp bất kì vấn đề nào, thì cách duy nhất để được hỗ trợ là mang nó đến cửa hàng. Bên cạnh đó, thái độ của nhân nhiên khi tiếp chuyện với bạn, chẳng hạn như có niềm nở, vui vẻ hoặc cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết hay không cũng là điều bạn nên lưu ý.
1.2.2. Phong cách phục vụ tại cửa hàng
Nếu có thời gian, hãy đến trải nghiệm thực tế tại các cửa hàng điện thoại. Thái độ phục vụ, từ nhân viên giữ xe đến nhân viên bán hàng sẽ nói lên phần nào "thiện chí" của cửa hàng đó, nhất là sau này, nếu bạn gặp vấn đề với sản phẩm và bức xúc phản ánh tại cửa hàng, thì nhiều khả năng bạn sẽ phải gặp thêm nhiều bức xúc hơn nữa, vì thực tế là ngay từ đầu, họ đã không thật sự coi trọng việc giao tiếp với khách hàng. Ngược lại, nếu nhân viên ở đó nhiệt tình, cung cấp cho bạn nhiều thông tin và sẵn sàng cho bạn thử qua nhiều dòng máy nếu bạn còn đang phân vân, thì chứng tỏ họ rất chú tâm đến trải nghiệm khách hàng và sau này, bạn sẽ không bị "làm ngơ" hoặc từ chối tiếp nhận thông tin phản hồi khi bạn đem sản phẩm đến để khiếu nại.
Một điểm lưu ý nhỏ khác nữa, đó là sự đông đúc của cửa hàng. Một cửa hàng có vẻ "làm ăn" tốt khi có lượng khách vào tương đối hoặc đông, kèm với đó là những quy trình phân loại và tiếp đón khách hàng rõ ràng. Ở một vài cửa hàng mình từng ghé qua, dù khách khá là đông nhưng hầu như mọi người có vẻ đã đến nhiều lần nên tự động đến ngay quầy mình cần vì nhân viên tiếp khách là rất ít. Điều đó làm cửa hàng trở nên rất xô bồ, và một số khách như mình đôi khi sẽ rơi vào tình trạng "như bị bỏ rơi" hoặc bối rối không biết làm gì.
2. Tìm hiểu và xác định nhu cầu sử dụng
Không ít người dùng đã bỏ qua bước này vì lý do nào đó. Nhưng với kinh nghiệm của mình, thì đây lại là bước quan trọng nhất, quyết định đến ngân sách và cả những ảnh hưởng về sau đối với công việc của bạn (nếu liên quan nhiều đến chiếc iPhone mà bạn muốn mua):
- Nếu bạn thuộc tuýp người yêu thích sản phẩm thời thượng và không ngại "xuống tiền", thì chắc rằng những chiếc điện thoại đời mới nhất sẽ phù hợp với bạn. Bên cạnh đó, nếu bạn không có nhu cầu quay phim, chụp ảnh quá nhiều thì bản 128Gb thì mình nghĩ sẽ là lựa chọn hợp lý, bởi một chiếc điện thoại sử dụng không quá 75% tổng dung lượng sẽ có phản hồi tác vụ "lanh lẹ" hơn so với những chiếc khác cùng dòng nhưng gần hết dung lượng.
- Nếu như bạn chỉ có nhu cầu lên đời điện thoại và muốn sử dụng nó lâu dài (từ 2-4 năm) thì theo mình, bạn nên chọn những dòng đã qua sử dụng không cách quá 3 đời so với dòng mới nhất. Chẳng hạn, hiện tại dòng mới nhất là iPhone 13, bạn nên chọn từ iPhone X trở lên, vì con chip của các dòng này vẫn còn tương đối mạnh, hơn nữa Apple sẽ luôn hỗ trợ cập nhật hệ điều hành đối với các đời không quá sâu. Do đó, đảm bảo chiếc điện thoại của bạn sẽ luôn được cập nhật từ chính nhà sản xuất và những phần mềm hiện tại (đặc biệt liên quan đến thanh toán online) sẽ hoạt động trơn tru hơn trên hệ điều hành mới nhất.
- Ngoài ra, một chi tiết nữa mình từng đề cập ở trên, đó là về dung lượng của "chú dế" mà bạn định sở hữu, vì dung lượng càng lớn thì mức giá tiền mà bạn bỏ ra cũng sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nếu bạn là người thích chụp ảnh, quay phim những khoảnh khắc của cuộc sống như đi du lịch, hội tiệc, ... thì chiếc điện thoại tầm 256Gb cho thời gian sử dụng khoảng 4 năm sẽ ổn hơn với bạn.
3. Kiểm tra và trải nghiệm sản phẩm ngay tại cửa hàng
3.1. Kiểm tra IMEI/ số Serial
Đây là một trong những cách rất phổ biến để kiểm tra xem liệu chiếc iPhone bạn sắp mua có phải là hàng chính hãng đã qua sử dụng hay không. Cách này không những là một trong những bước hiệu quả để kiểm tra tính thật giả của chiếc điện thoại mà bạn đang mua mà còn có thể giúp bạn kiểm tra đồng thời về thời hạn bảo hành còn lại của nó.
3.2. Kiểm tra ngoại hình
3.2.1. Phần khung viền
Khi vừa cầm chiếc điện thoại lên để kiểm tra, thì phần đầu tiên mà hầu như mọi người đều dựa vào để đưa ra những đánh giá đầu tiên đó chính là hiện trạng bên ngoài của nó. Không chắc chắn 100% rằng hình thức bên ngoài ổn thì chiếc điện thoại sẽ tốt, nhưng ít nhất, nó cũng phản ánh cho chúng ta biết phần nào đó quá trình sử dụng của người chủ nhân trước đó. Bạn hãy kiểm tra cẩn thận các mục sau nhé:
- Hãy để chiếc điện thoại lên mặt phẳng, để kiểm tra chiếc điện thoại có bị cong viền hoặc uốn cong bất thường hay không;
- Sau đó, hãy cần thận nhìn vào những con ốc nằm ở phần loa phía dưới xem có bị mòn hoặc là hoen rỉ không. Nếu có, chứng tỏ chiếc điện thoại mà bạn đang xem, ít nhất cũng đã được "bóc tem";
- Phần cuối, bạn hãy xem một vòng xung quanh, xem các góc cạnh có bị tróc, mốp hay trầy xước gì không. Nếu xuất hiện những chi tiết này, chứng tỏ chiếc điện thoại có khả năng đã bị rơi hoặc va chạm mạnh.
3.2.2. Màn hình
Đối với các dòng điện thoại cảm ứng hiện nay, thì lỗi hay gặp phải liên quan quan đến màn hình, đó là điểm chết hoặc là bị đơ. Bạn hãy chơi một trò chơi nào đó có độ tương tác của ngón tay tương đối cao với màn hình, như là trò "Chém trái cây" huyền thoại, để đảm bảo rằng mọi điểm trên màn hình của chiếc điện thoại đều nhận được tín hiệu, và quan trọng nhất, máy có bị đơ hay không khi bạn tăng các cử chỉ quẹt lên màn hình, khiến chúng phải xử lý nhiều hơn so với bình thường. Nếu mọi thứ vẫn trơn tru, thì bạn có thể thở phào nhẹ nhõm được rồi đấy!
Bên cạnh đó, để chắc rằng màn hình của chiếc điện thoại vẫn hiển thị tốt và không bị "điểm chết", bạn thử bật chiếc điện thoại sang nền trắng hoàn toàn để chắc rằng không có bất kì vết ố hay đen nào xuất hiện. Cuối cùng, một mẹo nhỏ là, bạn có thể lấy 1 đoạn băng dính để dán lên màn hình. Nếu bạn gỡ ra dễ dàng thì nhiều khả năng là màn hình zin, còn nếu bạn gặp khó khăn khi băng dính chặt vào màn hình thì khả năng cao điện thoại đã được thay màn hình.
3.3. Kiểm tra hoạt động của các phần cứng
3.3.1. Các cổng kết nối vật lý
Hãy thử chiếc điện thoại với dây sạc và tai nghe (từ dòng iPhone 7 trở đi thì jack 3.5 mm đã bị khai tử) và đợi xem một lúc. Nếu chiếc điện thoại sạc ổn định thì không sao, ngược lại sạc được một lúc thì ngắt hoặc hiển thị dòng chữ "Thiết bị không được hỗ trợ", thì hãy báo lại với nhân viên tư vấn để được đổi sang chiếc cáp sạc khác. Nếu tình trạng không có gì thay đổi, thì bạn tốt nhất là hãy đổi sang chiếc máy khác nhé.
3.3.2. Các phím chức năng
- Chức năng mở khóa
Kể từ dòng iPhone X, Face ID được áp dụng để mở khóa điện thoại. Bạn hãy kiểm tra xem chức năng này có hoạt động được không nhé, vì một số chiếc điện thoại cũ không thể mở được, và tất nhiên sẽ gây vài khó khăn trong quá trình sử dụng sau này. Ngược lại, ở một số dòng điện thoại từ iPhone 8 trở xuống, phím Home cùng touch ID vẫn còn xuất hiện, và bạn cũng sẽ kiểm tra tương tự để xem chiếc điện thoại có phản hồi trơn tru không nhé!
- Các phím âm lượng, nguồn và tắt âm
Bạn cũng nên kiểm tra sơ qua các phím này xem thử có hoạt động một cách ổn định không nhé. Đặc biệt là phần phím tắt âm đặc trưng của iPhone, bạn hãy bật lên xuống vài lần để xem phản hồi của máy, vì đây là một trong những phím dễ hư nhất.
3.3.3. Camera
Bạn hãy cẩn thận kiểm tra camera cả trước và sau, về cả hình thức bên ngoài là phần bảo vệ ống kính và cả tính năng chụp ảnh của nó nữa nhé! Tốt nhất, bạn nên thử chụp ảnh và quay phim ở tất cả chế độ, để chắc rằng chiếc điện thoại hoạt động tốt và không gặp bất kì vấn đề phát sinh nào liên quan đến hệ thống máy ảnh. Một vài chế độ chụp ảnh bạn nên thử:
- Chỉnh sáng, độ cận sáng;
- Tính năng lấy nét tự động và thủ công;
- Quay phim và thu âm bằng micro từ chính điện thoại;
- Chế độ tự sướng.
Nếu tất cả mục kiểm tra phía trên đều cho ra kết quả hình ảnh và video tốt (âm thanh được thu vào trong lúc quay) thì phần này đã ổn. Và, cùng test mục tiếp theo nhé!
3.3.4. Loa ngoài và micro
Thông thường, bạn hãy thử dùng điện thoại này để gọi điện đến một chiếc điện thoại khác và bật chế độ loa ngoài để xem thử âm thanh phát có rõ ràng không, và micro thu tiếng vào có bị quá ồn, không rõ hoặc là tiếng nhỏ hay không.
3.4. Kiểm tra pin và thời lượng sử dụng
Bất cứ chiếc máy cũ nào cũng đều ít nhiều có phần pin bị hao hụt, nếu may mắn thì bạn sẽ gặp được chiếc điện thoại sạc ít lần, vì một lý do khách quan nào đó mà chủ nhân không tiếp tục đồng hành với nó nữa. Và tất nhiên, những chiếc điện thoại gần như mới cứng như vậy thì giá cũng sẽ cao hơn những chiếc đời tương tự kha khá. Ngoài ra, còn có một trường hợp, là cửa hàng đã thay thế pin của chiếc máy nên khi kiểm tra, bạn sẽ phát hiện tình trạng pin gần như hoàn hảo, từ 98 đến 100%, dù đó là chiếc máy đã qua sử dụng một thời gian. Hãy lưu ý vấn đề này và hỏi lại nơi bán để tìm ra lời giải thích hợp lý từ họ nhé. Nếu có bất kì sự mập mờ nào thì tốt nhất là bạn không nên "gửi vàng" nhé!
3.5. Kiểm tra iCloud
Một cơ sở để bạn có thể đánh giá "độ sạch" của chiếc điện thoại iPhone mà bạn có ý định mua, đó là dựa vào iCloud của nó. Nếu cửa hàng không cung cấp được mật khẩu iCloud cũ để bạn tiến hành reset lại máy, chứng tỏ rằng họ có thể đã thu mua chiếc điện thoại này theo một cách không phải "thông thường", và tốt nhất bạn đừng giao dịch với nơi này nhé. Vì, nếu máy còn iCloud, một là người chủ trước của nó hoàn toàn có thể kích hoạt chế độ Find my phone và tích tắt, chiếc điện thoại của bạn đã thành "cục gạch" không hơn không kém. Hoặc xa hơn, bạn có thể gặp rắc rối với những rắc rối "từ trên trời rơi xuống" khi bạn lỡ đâu tiêu thụ một chiếc điện thoại ăn cắp hoặc là của một tội phạm nào đó.
3.6. Kiểm tra nguồn gốc
iPhone giả sẽ không thể chạy hệ điều hành iOS mà chỉ chạy một hệ điều hành khác nhái giao diện của iOS mà thôi. Vậy nên, bạn hãy nhờ cửa hàng kết nối chiếc điện thoại với máy tính có cài đặt iTunes để kiểm tra. Nếu bạn thấy biểu tượng ở góc phải màn hình của giao diện iTunes chạy trên máy tính xuất hiện biểu tượng đã kết nối với iPhone thì chứng tỏ đây là sản phẩm thuộc "Nhà Táo", ngược lại là iPhone giả rồi đấy!
Ngoài ra, xuất xứ của chiếc điện thoại cũng khá quan trọng đấy nhé. Nếu là phiên bản quốc tế thì bạn sẽ không phải lăn tăn quá nhiều, còn nếu là bản block thì bạn phải tiến hành mở sim để có thể sử dụng sim tại Việt Nam được. Do vậy, nếu mua bản block, dù đã mở sim rồi, thì đôi khi bạn sẽ gặp tình trạng như sóng chập chờn hay yếu, máy dễ nóng, pin tụt nhanh, danh bạ và tin nhắn bị lỗi, truy cập dữ liệu di động không dùng được, cập nhật phần mềm rắc rối và đôi khi không thành công,…
3.7. Kiểm tra sóng điện thoại, khả năng kết nối wifi và mạng di động 4G, 5G (nếu có)
Như mình đã đề cập ở phần trên, chiếc điện thoại dạng block thì sẽ hay gặp tình trạng sóng yếu. Bên cạnh đó, một vài chiếc điện thoại đã qua sử dụng cũng sẽ gặp tình trạng tương tự, dù là bản quốc tế hay dành cho thị trường Việt Nam. Do đó, bạn hãy thử thực hiện vài cuộc gọi bằng cả Sim và qua mạng như Zalo hoặc Facetime để chắc rằng chiếc điện thoại vẫn hoạt động tốt. Cuối cùng, bạn hãy thử truy cập Internet bằng sim 3G hoặc 4G để thử xem nó có thật sự tải dử liệu về điện thoại nhanh và có hay bị nóng máy hay không nhé!
4. Kết luận
Dù bạn mua thiết bị mới hay cũ đi nữa (nếu bạn không quá quan tâm về giá vì ngân sách rất dồi dào) thì việc phải bỏ thời gian để tìm hiểu, ít nhất là về những công năng của chiếc điện thoại đó và độ hữu dụng của nó đối với bạn và công việc hằng ngày. Suy cho cùng, việc bỏ thời gian tìm hiểu về cửa hàng mà bạn muốn đến tham khảo sẽ là mấu chốt của vấn đề, bởi lẽ những nơi có thương hiệu và uy tín sẽ đem lại niềm tin và sự hỗ trợ kịp thời khi bạn gặp sự cố với chiếc điện thoại của bạn. Và cuối cùng, sau khi đã chọn được nơi mà bạn sẽ "gửi gắm niềm tin" thì những bước kiểm tra vật lý và phần mềm sơ bộ như mình đã trình bày ở trên sẽ phần nào đó giúp bạn có thêm cơ sở để đánh giá và rước về chiếc điện thoại tốt với giá cả hợp lý nhất. Chúc các bạn sẽ mang về cho mình những chú "dế" ưng ý nhất nhé!
Bình luận 1 Bình luận
Chanh Tươi Review trân trọng mọi ý kiến đóng góp. Đánh giá của bạn có thể giúp hàng ngàn người khác đưa ra quyết định mua hàng chính xác. Xem chính sách bình luận.
Sản phẩm cũ thì không vút, nhưng đáng để trải nghiệm