Món ngon ngày Tết dễ làm
Ngày Tết trong nhà không thể thiếu các món ăn quen thuộc như bánh chưng, bánh tét, thịt kho trứng, canh khổ qua,... mỗi nhà đều có những món ăn quen thuộc theo năm tháng như một thói quen.
Sau đây là một số món đơn giản, dễ làm trong ngày Tết "Cũ người - Mới ta" nha. Bạn có thể thử tự tay làm những món ăn đơn giản, lạ miệng trong ngày Tết, vừa ngon vừa an toàn vệ sinh nữa nhé.
1. Thịt heo ngâm nước mắm
Món thịt heo ngâm nước mắm xuất phát từ miền Trung. Bạn có thể dùng chân giò, thịt ba chỉ hoặc thịt đùi nha. Sau đây mình sẽ hướng dẫn cách làm cả 2 loại luôn nha.
Thịt đùi ngâm nước mắm
Chuẩn bị:
- Thịt lựa thịt đùi hoặc mông có đủ phần nạc, mỡ, da. Tùy nhà bạn thích ăn phần nào nhiều hơn mà lựa nhé, nhưng đừng nhiều mỡ quá.
- Nước mắm, đường, hành tím
Cách làm:
Thịt: Rửa sạch, cắt khúc to to tầm 3-4cm
Bắt nồi nước sôi, cho 1 ít muối để khi luộc thịt giữ lại vị ngọt, cho thịt và vài củ hành tím cắt lát vào luộc cho vừa chín tới. Sau khi chín vớt ra tô nước đá để mỡ được trong và giòn nhé. Tầm 30s vớt ra đợi cho khô ráo.
Nấu nước mắm: Bắt nồi nước mắm, cho đường vào nấu sôi, để nguội, nhớ vớt bọt nha.
Sau khi thịt và nước mắm đều đã nguội, cho thịt vào nước mắm vào bình ngâm. Chặn thịt bằng vài thanh tre để thịt không bị trồi lên. Ngâm chung với vài trái ớt và tỏi cắt lát nếu bạn thích nha. Để bình ở nơi thoáng mát, khoảng 3 ngày là ăn được.
Sau 3 ngày là ăn được, cắt lát thịt mỏng ăn kèm với bánh tét hoặc cuốn bánh tráng nhé.
Mẹo ngâm thịt ngon: Chọn nước mắm nguyên chất có nồng độ đạm tầm 30 độ là ngon nha. Những loại nước chấm như Nam Ngư, nước mắm công nghiệp nên tránh xa. Đợt mình ngâm ớt mà bị hóa dòi luôn, sợ tới giờ, trong khi ngâm nước mắm ngon không bao giờ bị cả.
Giò heo ngâm nước mắm
Chuẩn bị
- Thịt giò heo rút xương
- Nước mắm, đường, hành tím, muối
Cách làm
Giò heo rửa sạch, nhổ lông sạch nha. Sau đó cuộn lại, cột chỉ cố định hơi chặt tí thôi. Sau đó cho vào nồi nước sôi luộc chín khoảng 20-25 phút, có nêm ít muối, tiêu và hành tím cắt lát để thịt giữ được vị ngọt và thơm nha.
Thịt vớt ra trụng vào nước đá 30s cho da giòn, vớt ra để ráo chờ cho nguội.
Nấu nước mắm: Nấu nước mắm với đường tương tự như làm với thịt đùi ở phía trên nha. Nhớ vớt bọt cho nước mắm trong và ngon, ngâm thịt không bị hư.
Đợi nước mắm và thịt đều nguội thì cắt dây chỉ thịt, cho thịt vào hủ, ngâm với nước mắm, vài trái ớt, tỏi cắt lát. Ngâm 3 ngày là ăn được. Cắt lát mỏng ăn kèm với bánh tét hoặc cuốn bánh tráng ăn là hết xẩy nhé.
Nước mắm sau khi ngâm thịt mình có thể dùng để nấu các món kho vẫn còn rất ngon nha.
2. Chân gà ngâm chua ngọt (sả tắc)
Món này đa số các ông chồng đều mê nha. Tết nhâm nhi vài ly với chân gà ngâm chua ngọt là ngon hết biết.
Chuẩn bị:
- Chân gà
- Sả, tỏi, ớt, lá chanh, gừng, rượu trắng
- Nước mắm, đường, giấm
Cách làm
Sơ chế gà: Chân gà rửa sạch, cắt bỏ móng, khứa chân gà làm đôi theo chiều dọc để dễ thấm gia vị. Ngâm chân gà với rượu trắng và gừng giã nát, bóp chân gà đều để sạch và hết mùi hôi, sau đó rửa sạch lần nữa với nước.
Chuẩn bị gia vị: Bớt băm, tắt cắt khoang tròn bỏ hạt, sả chia làm 2 phần: băm và cắt sợi. Gừng giã nhuyễn
Luộc chân gà: Cho chân gà và gừng giã nhuyễn, sả cắt sợi vào nồi luộc vừa chín, không luộc chín mềm nhé.
Vớt chân gà ra cho vào tô nước đá khoảng 1 phút, vớt ra để ráo, cho vào tủ lạnh 20 phút. Đây là bí quyết giúp chân gà của bạn được giòn nhé.
Nấu nước giấm chua ngọt: Thành phần gồm có nước, đường, nước mắm, giấm được nấu sôi, vị vừa miệng. Nấu xong cho ớt và sả vào, chờ cho thật nguội rồi cho tắc vào. Lưu ý, không cho tắc vào lúc nước còn nóng vì như vậy sẽ bị đắng nhé.
Ngâm chân gà: xếp chân gà vào hộp, cho nước ngâm vào ngậm chân gà, cho tắc và sả lên trên mặt. Ngâm qua đêm là có thể ăn được.
Bạn có thể cho vào tủ lạnh để ăn dần khoảng 3 ngày. Nên bớt lượng tắc xuống còn 1/3 nếu ngâm lâu nha, cho vào ít lá chanh để chân gà thơm hơn.
3. Tai heo ngâm giấm
Món tai heo ngâm giấm ăn chua chua, giòn giòn, ai cũng thích. Món ăn đặc trưng ngày tết mà người miền Nam không thể thiếu được trong mâm cơm mỗi nhà nhé.
Chuẩn bị:
- Tai heo
- Giấm, đường, muối hột, nước mắm
- Ớt, gừng, hành tím, tiêu, tỏi
Cách làm:
Sơ chế tai heo: Tai heo cạo sạch lông, dùng giấm và muối hột chà tai heo, rửa thật sạch, đẩm bảo tai heo phải thật sạch nếu không sẽ bị hôi. Có thể cắt bỏ phần lỗ trong của tai, phần bẩn nhất.
Luộc tai heo: Nấu nước sôi với gừng đập giập, hành tím cắt lát, tiêu, 1 muỗng nước mắm, cho tai heo vào luộc vừa chín
Sau khi luộc chín vớt ra cho vào tô nước đá, đợi nguội vớt ra để ráo. Ngâm nước lạnh giúp bề mặt tai heo được săn
Gia vị: Tỏi, hành tím, ớt cắt lát,
Làm nước ngâm: Cho giấm, đường tỷ lệ 2 chén giấm thì dùng 1.5 chén đường cùng với 1/3 muỗng cà phê muối đun sôi, đường muối hoà tan. Canh chỉnh tỷ lệ vừa đủ nước ngâm để ngập tai heo. Đợi nước ngâm thật nguội, tiến hành ngâm tai heo.
Ngâm tai heo: Tai heo cắt lát vừa ăn, cho vào hủ, cho nước ngâm vào ngập, cho hành tím, ớt, tỏi vào ngâm cùng. Đậy kín nắp, đợi khoảng 3 ngày là ăn được. Nếu ngâm nguyên tai heo thì khoảng 1 tuần là ăn được nhé
4. Bánh Tét nước cốt dừa
Bánh Tét là món ăn đặc biệt vào ngày Tết mà nhà nào cũng có. Cứ đến gần giao thừa, nhà nhà lại quây quần gói bánh rồi thức thâu đêm canh nồi bánh, đón giao thừa. Năm nào mà không nấu là đều cảm thấy thiếu thiếu gì đó không thể tả.
Món bánh tét được miền Nam biến tấu thêm lạ miệng và thơm ngon như thêm vào nếp nước cốt dừa, đậu đen hay đậu đỏ, nước lá cẩm, phần nhân được làm nhân ngọt với chuối, đậu xanh,...
Mình sẽ giúp mọi người làm món bánh tét nước cốt dừa nhân mặn nhé. Bánh tét với nước cốt dừa vì có phần dừa nên mọi người cần bảo quản trong tủ lạnh hoặc hấp lại sau 2 ngày nấu để bánh không bị hư nha.
Chuẩn bị:
- Lá chuối, dây lạt
- Nếp, đậu xanh, đậu đen, thịt ba chỉ
- Nước cốt dừa, hành tím, tiêu,
Cách làm
Lá chuối phơi nắng cho dai, lựa lá to để dễ gói nha.
Nếp ngâm nước nửa ngày cho nở, có thể ngâm với nước lá dứa hoặc lá cẩm cho có màu đẹp, thơm.
Đậu đen ngâm qua đêm cho nở mềm và luộc vừa chín với ít muối, vớt ráo nha.
Trộn nếp: Nếp trộng với nước cốt dừa, đậu đen, nêm ít muối và đường cho đậm đà.
Nhân bánh: Đậu xanh ngâm, hấp chín hoặc nấu chín. Chỉ đổ nước vừa ngập đậu thôi để khi đậu chín nước rút hết là vừa nha.
Thịt ba chỉ rửa sạch, cắt thành miếng dài, lóc bỏ phần da. Ướp thịt với hành tím giã nhuyễn, tiêu, muối, đường.
Xếp thịt vào giữa đậu xanh thành khối dài, sao cho đậu xanh bọc hết thịt lại nha.
Gói bánh:
Xếp lá chuối thành 3 lớp so le nhau.
Trải nếp lên lá chuối, dàn đều và dài ra, cho cục nhân vào, Thêm một lớn nếp lên trên.
Cuộn lá chuối lại, buộc dây ngang để cố định, sau đó gấp hai đầu lại, buộc dây cố định.
Buộc tiếp các dây dọc và ngang cho chặc.
Lưu ý: Không buộc chặc quá, nấu bánh sẽ bị sống vì không có khoảng để nếp nở ra hoặc nấu lâu chín. Buộc lỏng bánh sẽ bị nhão. Buộc chặc vừa tay nhé.
Cuối cùng là luộc bánh. Nấu khoảng 6-7 tiếng là bánh chín nha, với bánh 0.5kg, còn bánh nhỏ hơn sẽ mau chín hơn, bánh lớn hơn sẽ lâu hơn.
5. Chả giò
Chả giò là món ăn phổ biến trong các bữa tiệc và được nhiều người yêu thích bởi lớp vỏ giòn tan, phần nhân mềm và ngon. Cùng mình làm món này cho ngày Tết thêm vị nha.
Chuẩn bị:
Thịt heo xay, trứng gà
Nấm mèo, miếng tàu, bắp, củ sắn (củ đậu) nếu thích, mình thường không ăn củ sắn.
Bánh bía hoặc bánh tráng rế. Nếu nơi bạn không có bán các loại này để cuốn chả giò thì bạn có thể cuốn bằng bánh tráng mỏng cũng được nha.
Cách làm:
Nhân chả giò: Nấm mèo, miếng tài ngâm nước khoảng 5 phút cho nở mềm, cắt nhỏ. Bắp bào ra, sắn cắt sợi mỏng.
Trộn nhân: Thịt heo xay, nấm mèo, miếng và bắp trộn đều, nêm gia vị muối, tiêu, đường, bột ngọt vừa ăn, đánh thêm quả trứng gà, tùy lượng nhân nhiều hay ít mà cho từ 1-2 quả trứng nha. Trộn đều cho quện vào nhau, có thể thêm ít dầu ăn để không bị dính.
Cuốn chả giò:
Trải bánh tráng ra đĩa, đối với bánh bía, bánh rế thì bỏ nhân vào một bên, xếp hai đầu lại, cuộn lại. Nếu bánh hơi khô có thể vẩy ít nước cho dễ cuốn nhé. Tương tự với bánh tráng mỏng thì vẩy ít nước cho bánh hơi mềm rồi cuốn nha.
Chiên chả giò:
Bắt nồi dầu nóng, cho chả vào chiên với lửa vừa. Lưu ý là chiên với dầu nóng thì chả giò sẽ không hút dầu, ăn không bị ngấy, tiết kiệm dầu.
Vớt ra để ráo là ăn được nha. Chả giò nên ăn nóng, lớp vỏ giòn, nhân mềm và nóng rất ngon. Thường ăn kèm với bún, nước mắm chua cay.
Trên đây là vài món ngon ngày tết cực dễ làm. Chúc mọi người có một mùa nghỉ Tết thật vui và ấm cúng bên gia đình nhé.
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Chúng tôi sẽ gửi đường link lấy lại mật khẩu vào Email của bạn. Vui lòng nhập chính xác Email:
Bình luận 0 Bình luận