Tước quân tịch là gì? Tước quân tịch có mất quyền công dân không

Chanh Tươi Review 25 tháng 07, 2024 - 15:10 (GMT +07)   Tước quân tịch là gì? Tước quân tịch có mất quyền công dân không

Tước quân tịch đang là vấn đề được mọi người khá quan tâm trong thời gian gần đây về những người quân nhân trong quân đội. Vậy tước quân tịch là gì? Nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với quân nhân khi bị tước quân tịch. Hãy tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!

Tước quân tịch có nghĩa là quân nhân bị xóa tên khỏi quân đội
Tước quân tịch có nghĩa là quân nhân bị xóa tên khỏi quân đội

Tước quân tịch là gì? 

  • Tước quân tịch hay còn gọi là tước danh hiệu quân nhân có nghĩa là quân nhân đó bị xóa tên khỏi danh sách quân nhân và tước mọi quyền lợi mà bản thân quân nhân và gia đình được hưởng về quân nhân đó.
  • Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không quy định về thuật ngữ tước quân tịch, đây là thuật ngữ được sử dụng thường ngày. Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định về hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân. Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 cũng quy định về hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân đối với quân nhân chuyên nghiệp.
  • Tước danh hiệu quân nhân có thể được áp dụng cho đối tượng phạm tội là quân nhân khi phạm tội nghiêm trọng do cố ý gây nguy hại lớn cho xã hội. Ví dụ: phạm tội bỏ vị trí chiến đấu; phạm tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới ; …

Các trường hợp bị tước quân tịch 

Chống mệnh lệnh

Không chấp hành mệnh lệnh hoặc không thực hiện nhiệm vụ khi người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp có thẩm quyền giao mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là chỉ huy hoặc sĩ quan
  • Lôi kéo người khác tham gia
  • Trong sẵn sàng chiến đấu
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.

Làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên

Dùng lời nói, hành động xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín, thân thể người chỉ huy hoặc cấp trên thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là sĩ quan
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự
  • Lôi kéo người khác tham gia.

Làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới

Người chỉ huy hoặc cấp trên dùng lời nói hoặc có hành động xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, thân thể của cấp dưới thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Làm nhục, hành hung đồng đội

Dùng lời nói hoặc có hành động xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, thân thể đồng đội mà giữa họ không có quan hệ chỉ huy và phục tùng thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự
  • Lôi kéo người khác tham gia
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm
  • Gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Đào ngũ

Tự ý rời khỏi đơn vị lần đầu quá 03 (ba) ngày đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; quá 07 (bảy) ngày đối với hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không thuộc các trường hợp được quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Gây hậu quả nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng
  • Khi đang làm nhiệm vụ
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm
  • Lôi kéo người khác tham gia.

Vô ý làm lộ bí mật hoặc làm mất tài liệu bí mật quân sự

Vô ý làm lộ bí mật hoặc làm mất tài liệu bí mật quân sự, bí mật Nhà nước nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đã được nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng thực hiện không nghiêm
  • Trong khu vực có tình hình an ninh chính trị mất ổn định
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm
  • Đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.

Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự

Quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự sai quy định để xảy ra mất an toàn về người, vũ khí, trang bị, phương tiện, tài sản thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là chỉ huy hoặc sĩ quan
  • Là người có chuyên môn nghiệp vụ về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.

Vô ý làm mất hoặc làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự

Vô ý làm mất hoặc làm hư hỏng vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là chỉ huy hoặc sĩ quan
  • Trong chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu
  • Không có biện pháp tích cực ngăn chặn

Chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm

Chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là chỉ huy hoặc sĩ quan
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm
  • Gây ảnh hưởng xấu đến đơn vị.

Quấy nhiễu nhân dân

Khi tiếp xúc với nhân dân mà có hành vi đòi hỏi, yêu sách, quấy nhiễu, gây phiền hà, khó khăn, cản trở sinh hoạt bình thường của nhân dân hoặc xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của nhân dân nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là chỉ huy hoặc sĩ quan
  • Lôi kéo người khác tham gia
  • Trong khu vực có chiến sự hoặc tình trạng khẩn cấp
  • Gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Quân đội.

Chiếm đoạt tài sản

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, tổ chức, công dân có giá trị dưới 2.000.000 (hai triệu) đồng thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Lôi kéo người khác tham gia
  • Làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Các hành vi vi phạm khác

Ngoài các hành vi vi phạm quy định tại Thông tư 16/2020/TT-BQP, nếu người vi phạm có hành vi vi phạm khác tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là chỉ huy hoặc sĩ quan
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm
  • Biết sẽ gây hậu quả nhưng không có biện pháp ngăn chặn.

Vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và áp dụng hình phạt

  • Vi phạm pháp luật bị tòa tuyên án phạt tù và phải chấp hành hình phạt tại trại giam.

Quy định về tước quân tịch mới nhất

Quy định về tước quân tịch mới nhất
Quy định về tước quân tịch mới nhất

Đối tượng áp dụng khi bị tước quân tịch 

Chủ yếu áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng) và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nguyên tắc xử lí theo thông tư 16/2020/TT-BQP quy định:

  • Mọi vi phạm kỷ luật phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh; hậu quả do vi phạm kỷ luật gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Việc áp dụng hình thức kỷ luật tước quân tịch phải được tiến hành nhanh chóng, chính xác, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.
  • Không áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân và buộc thôi việc đối với nữ quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Không áp dụng các hình thức kỷ luật khác thay cho hình thức kỷ luật tước quân tịch được pháp luật quy định.

Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật

  • “Trường hợp bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân thì chỉ huy đơn vị quản lý quân nhân bị xử lý từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên phải cử người đưa quân nhân bị kỷ luật, cùng toàn bộ hồ sơ có liên quan bàn giao cho cơ quan quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú (trừ trường hợp đào ngũ không trở lại đơn vị hoặc bị tòa án tuyên án phạt tù).”
  • Trường hợp quân nhân đào ngũ bị xử lý kỷ luật vắng mặt thì đơn vị gửi văn bản thông báo hình thức xử lý và yêu cầu quân nhân vi phạm trở lại đơn vị về Ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn, cơ quan quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú và gia đình quân nhân. Nếu sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà quân nhân vi phạm vẫn không trở lại đơn vị thì bị coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
  • Trường hợp người vi phạm đã chết thì chỉ xem xét, kết luận về hành vi vi phạm kỷ luật.

Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật

Không áp dụng thời hiệu đối với: Hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật tước quân hàm sĩ quan và tước danh hiệu quân nhân

Khoản 2,3,4  Điều 43 Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định về thời hạn xử lí kỷ luật tước quân tịch như sau:

  • 2. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật là 03 tháng. Trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian kiểm tra, xác minh làm rõ thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 05 tháng.
  • 3. Trường hợp người vi phạm kỷ luật có liên quan đến vụ việc, vụ án đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử thì trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử, đơn vị tạm dừng việc xem xét xử lý kỷ luật. Khi có kết luận cuối cùng của cơ quan pháp luật có thẩm quyền hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì xem xét xử lý kỷ luật theo quy định. Thời hạn xem xét xử lý kỷ luật áp dụng theo Khoản 2 Điều này.
  • 4. Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải chịu trách nhiệm về việc xử lý kỷ luật đối với người vi phạm trong thời hạn quy định.”

Trường hợp quân nhân được miễn trách nghiệm kỷ luật khi vi phạm 

Những trường hợp chưa xem xét kỷ luật đối với quân nhân:

  • Trong thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ theo chế độ;
  • Trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ sở quân y hoặc cơ sở y tế;
  • Trong thời gian hưởng chế độ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng;
  • Đang trong thời gian chờ kết quả giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.

Những trường hợp miễn trách nhiệm kỷ luật đối với quân nhân:

  • Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội;
  • Vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ Quân đội trong trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và do điều kiện bất khả kháng;
  • Chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy cấp trên hoặc phân công nhiệm vụ của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.

Sự kiện nổi bật về tước quân tịch trong quân đội

Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa nhận hối lộ
Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa nhận hối lộ 

Vụ việc xảy ra vào đầu năm 2019, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, chiều 25/1/2019, ông Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã công bố quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa vì liên quan đến vụ việc nhận tiền chạy án.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Công an, hành vi nhận tiền từ ông Đỗ Đức Hiếu (nguyên cán bộ thuộc Đội Cảnh sát trật tự Công an TP Thanh Hóa) của Đại tá Phương là có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ nên Thanh tra Bộ Công an kiến nghị Bộ Công an thi hành kỷ luật với hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Đại tá Nguyễn Chí Phương.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Công an cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của 5 cán bộ, chiến sĩ khác của Công an TP Thanh Hóa có biểu hiện bao che tội phạm. Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện 1 đoạn ghi âm dài hơn 23 phút có tiêu đề: “Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa nhận tiền chạy án 260 triệu, bị thuộc cấp tố cáo”.

Trong các đoạn ghi âm có đề cập tới việc người đàn ông được cho làm ở Công an TP Thanh Hóa có liên quan đến vụ việc trộm cắp xe máy có tìm Đại tá Phương đề nhờ “chạy án” và có đề cập tới tiền “chạy án”, với số tiền được nhắc đến là 260 triệu đồng, được nhắc nhiều lần…

Như vậy có thể thấy được các hành vi phức tạp và nghiêm trọng của các cán bộ trong thi hành nhiệm vụ. Quy định về Tước quân tịch được ban hành nhằm răn đe, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để người vi phạm đứng trong hàng ngũ cấp cao.

Câu hỏi thường gặp

1. Ai sẽ bị tước quân tịch?  

Việc tước quân tịch chủ yếu áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng) và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Thời hiệu đối với hành vi bị kỉ luật tước danh hiệu là bao lâu?  

Điểm b khoản 1 Điều 43 Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định rõ không áp dụng thời hiệu đối với hành vi vi phạm đến mức phải tước danh hiệu quân nhân.

3. Tước quân tịch có mất quyền công dân không?  

Theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp 2013, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. 

Mặt khác theo quy định của Bộ luật hình sự, đối với người bị áp dụng hình phạt tù thì tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, người này có thể bị xem xét áp dụng các hình phạt bổ sung trong đó có tước một số quyền công dân. 

Theo như nội dung đã phân tích ở trên thì bị tước quân tịch không mất toàn bộ quyền công dân, nếu như bị áp dụng thì chỉ bị tước một số quyền công dân.

Kết luận: Bài viết trên Chanh Tươi đã giải đáp cho bạn tước quân tịch là gì, những quy định tước quân tịch mới nhất. Có thể thấy môi trường quân đội sẽ xử lý rất nghiêm khắc với những trường hợp phạm pháp để răn đe những người quân nhân.

Bình luận 0 Bình luận

Gửi bình luận
phuongthao
Tác giả: Chanh Tươi Review
Đội ngũ biên tập
Là một đội ngũ gồm các biên tập viên và chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Chanh Tươi Review

Thông báo