Thai nhi 6 tuần tuổi có gì đặc biệt?

Quỳnh Trang 13 tháng 12, 2022 - 13:27 (GMT +07)   Thai nhi 6 tuần tuổi có gì đặc biệt?

Ở giai đoạn thai nhi 6 tuần tuổi thì bé đã bắt đầu được hình thành tay và chân, cơ thể cũng dần hình thành một số bộ phận khác. Trong giai đoạn này bạn sẽ cảm nhận được những dấu hiệu mình đang mang thai rõ rệt. Các triệu chứng phổ biến như buồn nôn, căng tức ngực, đi tiểu nhiều,... 

Khi thai nhi 6 tuần tuổi thì mẹ nên cẩn thận trong việc bổ sung dinh dưỡng hàng ngày, vì đây là giai đoạn khá nhạy cảm và quan trọng với bé. Ngoài ra, các mẹ nên có kế hoạch khám bác sỹ định kỳ để theo dõi tình trạng phát triển của bé.

thai-nhi-6-tuan-tuoi-co-gi-dac-biet-2

Mang thai 6 tuần tuổi.

Sự phát triển của thai nhi 6 tuần tuổi

Kích thước của thai nhi:

Lúc này thai nhi dài chưa tới 1 cm, và cái đuôi nhỏ xíu cuối cùng cũng đã mất đi, nhưng nhìn hình dáng thì vẫn giống như là chỉ có đầu thôi, trán rất to, còn thân mình thì bé xíu.

thai-nhi-6-tuan-tuoi-co-gi-dac-biet-3

Sự phát triển của bé được 6 tuần tuổi.

Sự hình thành chop mũi, môi, mí mắt và các ngón:

Trong tuần này, em bé sẽ hình thành chóp mũi. Các ngón tay, ngón chân, môi, mí mắt, và chân đang ngày càng trở nên rõ nét hơn. Đôi mắt lúc này còn ở vị trí khá xa nhau, gần về phía hai bên thái dương hơn.

Sự phát triển của tim và phổi:

Đến tuần thứ 6, các van tim của bé đã xuất hiện, những đường dẫn khí từ cổ họng đến phổi cũng được hình thành. Đã xuất hiện những đường nét nho nhỏ ở đầu các chi nơi mà các ngón chân và ngón tay sẽ thành hình.

Xuất hiện một vài cử động của thai nhi:

Dù nhiều người không tin, nhưng trên thực tế, thai nhi sẽ có một vài cử động không chủ ý nhưng bạn sẽ không thể nhận ra được vì nó rất nhỏ. Thai nhi vẫn còn trong hình dạng chữ C, tương tự như hạt đậu, di chuyển thấp thoáng bên trong tử cung của bạn.

Hệ xương:

Xương của bé bắt đầu hình thành trong tuần này, và thai nhi đã có thể gập cánh tay bé xíu của mình lại ở phần khuỷu tay và cổ tay

Hệ tuần hoàn:

thai-nhi-6-tuan-tuoi-co-gi-dac-biet-1

Hệ tuần hoàn của bé 6 tuần tuổi.

Sự phát triển nhanh của thai nhi đã cho ta thấy, thai nhi cũng đã có ruột thừa và tuyến tụy, nơi sẽ tạo ra hormone insulin. Một đoạn ruột của bé phát triển thành dây rốn, có mạch máu riêng biệt để mang oxy và chất dinh dưỡng đến và chất thải đi từ cơ thể nhỏ bé của bé.

XEM THÊM: 4 điều chưa biết về thai nhi 5 tuần tuổi

Những thay đổi của mẹ khi thai nhi 6 tuần tuổi

Thay đổi về cơ thể

Vào lúc này, bạn vẫn sẽ trông không giống như đang có bầu. Các hormone thai kỳ hoạt động liên tục để giúp thai bám chắc hơn vào thành tử cung, và giúp em bé phát triển. Bạn sẽ cảm thấy ngực mình to và nặng hơn một chút, còn vòng eo thì nhanh chóng biến mất. Bạn có thể cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng, hoặc một chút mơ mơ hồ hồ. Tất cả đều có thể được xem như là các triệu chứng bình thường của giai đoạn đầu thai kỳ.

Bụng của bạn sẽ lớn hơn một chút. Chứng buồn nôn có thể vẫn còn. Người ta ước tính đến khoảng 70-80% phụ nữ bị buồn nôn ở một mức độ nào đó trong ba tháng đầu của thai kỳ. Cố gắng tránh bỏ lỡ các bữa ăn để phòng tình trạng hạ đường huyết, và nên chọn các thức ăn dễ tiêu hóa. Không cần thiết phải ép mình ăn món gì đó chỉ vì nghĩ là nó tốt.

thai-nhi-6-tuan-tuoi-co-gi-dac-biet-4

Sự thay đổi cơ thể mẹ khi mang thai 6 tuần.

Lúc này, cảm giác nặng và đầy ở vùng chậu có thể trở nên rõ nét hơn. Nó thậm chí có thể tệ hơn mỗi khi bạn ăn no hoặc khi bạn mắc tiểu. Về mặt hình thức thì vẫn chưa thấy dấu hiệu bạn mang thai vì bụng của bạn nhìn gần như là bình thường.

Bạn có thể cảm thấy khu vực vòng eo có vẻ dày lên hơn bình thường. Mặc dù vẫn chưa đến lúc để mặc áo bầu, nhưng bạn vẫn nên chọn những chiếc quần có thắt lưng co giãn, hoặc váy áo phù hợp.
Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi nhiều hơn trong tuần này. Có ngày bạn còn có thể cảm thấy như chưa được ngủ chút nào, hoặc ngủ vẫn chưa đủ. Bạn chỉ ước ao cho nhanh tới ban đêm để lại được leo lên giường. Hãy cố gắng sắp xếp để nghỉ hoặc ngủ trưa, vì nó sẽ rất có ích cho bạn trong việc lấy lại sức.

Từ tuần thứ 6 trở đi, bạn có thể cảm nhận chút đau ở dưới thắt lưng mà trước khi có thai bạn chưa từng bị. Khi này, đau lưng thường là do áp lực từ tử cung đang lớn dần của bạn tác động lên cột sống phía dưới. Những cơn đau lưng sẽ đến rồi đi trong suốt thai kỳ, do tác động của hàm lượng hormone đang không ngừng gia tăng trong cơ thể bạn.

XEM THÊM: Thai 22 tuần nặng bao nhiêu cân là tốt?

Bạn dị ứng với mùi thức ăn

Thời gian này bạn vẫn có thể còn cảm thấy sợ một vài món ăn đặc biệt nào đó. Các chuyên gia cho rằng đây là một cách tự nhiên để bảo vệ thai nhi khỏi các loại thực phẩm có khả năng gây hại.

thai-nhi-6-tuan-tuoi-co-gi-dac-biet-5

Mẹ dị ứng với mùi thức ăn và có thể buồn nôn khi thai 6 tuần tuổi.

Lúc này, bạn cũng có thể thấy mình không được khỏe như trước mỗi khi tập thể dục, thấy thở nặng nhọc hơn và dễ mệt hơn. Vì vậy, bạn nên chuyển qua các bài tập nhẹ nhàng hơn cho phù hợp. Bạn vẫn rất cần vận động nhẹ nhàng mỗi ngày, và nên kết hợp thể dục vào các hoạt động hàng ngày của mình. Những chị em tăng cân quá mức khi mang thai có thể gặp nhiều khó khăn và rủi ro hơn vào lúc sinh.

Thay đổi về cảm xúc

Vào thời điểm này, có những lúc bạn cảm thấy nghi ngờ về việc có thai, cứ như tất cả là do mình tưởng tượng ra vậy. Có thể bạn vẫn chưa đi khám bác sĩ nên chủ yếu là vẫn dựa vào các triệu chứng để tự thuyết phục mình. Hãy kiên nhẫn. Tuần thứ 6 này cũng quan trọng như bất kỳ tuần nào khác, và thai nhi của bạn đã phát triển rất nhiều trong 6 tuần qua kể từ khi bạn thụ thai.

thai-nhi-6-tuan-tuoi-co-gi-dac-biet-6

Mẹ dễ nổi cáu khi mang thai giai đoạn đầu.

Bạn có thể cảm thấy buồn rầu và dễ nổi cáu, tính khí trở nên thất thường và đôi khi không chịu được một số người hay một số tình huống nào đó.

Bạn có thể bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về bé, về giới tính và thậm chí cả tên gọi của bé. Bạn nhận ra, những suy nghĩ về việc đứa bé sẽ có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của mình sẽ chiếm khá nhiều thời gian và tâm trí của bạn.

Những việc mẹ bầu nên làm khi mang thai 6 tuần

Một trong những cách giảm ốm nghén hiệu quả là thử ăn dưa chuột. Nó rất hiệu quả với một số người đấy.

Nên chọn áo ngực thoải mái hơn phù hợp với vòng một đang lớn lên của bạn. Tuy nhiên vẫn còn sớm để mặc áo ngực bà bầu hay loại áo cho con bú.

thai-nhi-6-tuan-tuoi-co-gi-dac-biet-7

Chọn áo ngực phù hợp.

Tránh những công việc phải chạy ngược chạy xuôi suốt ngày từ sáng đến tối. Không nên ôm đồm quá nhiều việc, và hãy nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy mệt mỏi.

Hãy cân nhắc việc mua một chiếc gối hỗ trợ dành cho bà bầu để sử dung luôn cho đến khi bạn sinh bé. Loại gối hình chữ nhật, dài, sẽ có thể hỗ trợ tuyệt vời cho chiếc bụng ngày càng to ra của bạn, và giúp giảm thiểu các cơn đau lưng.

Hãy tìm hiểu kỹ để chọn bác sĩ để chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho bạn trong suốt thai kỳ. Bạn nên trao đổi thêm với những người thân, người bạn đã từng có con; đọc thêm những thông tin bạn cần tham khảo, và bàn bạc với chồng để anh ấy cùng đưa ra ý kiến quyết định.

Tăng cường vitamin C, đặc biệt là thời điểm này, khi các tế bào phôi mầm đang lớn lên rất nhanh. Những nguồn thực phẩm giàu vitamin C là: cam, hạt tiêu đỏ, dâu tây, xoài, nho đen và kiwi.

thai-nhi-6-tuan-tuoi-co-gi-dac-biet-8

Bà bầu nên bổ sung vitamin C.

Nếu bạn mang thai khi đã ngoài 35 tuổi, nếu cảm thấy lo lắng về bất thường về gien, hãy trao đổi với bác sĩ để được làm các xét nghiệm cần thiết.

Nếu từng đau đầu trước khi có thai và tiếp tục nặng hơn trong giai đoạn này thì hãy thử áp dụng một số cách tích cực trị chứng đau đầu.

Thai giáo cho bé 6 tuần tuổi

Thai giáo bằng vận động có điểm gì tốt?

Vận động giúp thai phụ giảm nhẹ cảm giác mệt mỏi, khống chế được tốc độ tăng cân, làm tăng tỉ lệ sinh nở tự nhiên, giảm quá trình đau đẻ… Vận động cũng là bài học tốt cho thai nhi.

Vận động giúp cho tốc độ lưu thông máu của mẹ tăng nhanh, từ đó thai nhi nhận được lượng oxi nhiều hơn, tăng sự trao đổi chất, thúc đẩy sự phát triển cơ thể và đại não.

Khi vận động ngoài trời, thai phụ tiếp xúc với nhiểu ánh nắng, có lợi cho việc bổ sung canxi, thúc đẩy sự phát triển xương của thai nhi.

thai-nhi-6-tuan-tuoi-co-gi-dac-biet-9

Vận động là phương pháp thai giáo tốt cho bé.

Vận động có thể làm giảm rối loạn tâm lí cho thai phụ, giúp tâm lí thoải mái, thư giãn, có lợi cho việc hình thành tính cách thai nhi.

Khi vận động, nước ối trong tử cung cũng lắc nhẹ, kích thích cơ thể thai nhi, để thai nhi sau khi sinh ra sẽ thông minh, phản ứng nhanh nhạy, hành động cũng linh hoạt hơn.

Đi bộ – cách thai giáo tốt ở đầu thai kỳ

Thời kỳ đầu mang thai là thời kỳ dễ sảy thai, vì thế lượng vận động ở giai đoạn này không nên quá lớn, mức độ vận động cũng không quá nhiều, tránh bị sảy thai. Cách vận động tốt nhất chính lầ đi bộ. 
Nhưng đi bộ không có nghĩa là bước đi tùy tiện, nếu phương pháp đi không đúng, còn có thể gây nguy hiểm cho thai phụ.

thai-nhi-6-tuan-tuoi-co-gi-dac-biet-10

Đi bộ giúp ích cho thai nhi.

Chọn môi trường thích hợp; môi trường này yêu cầu yên tĩnh, trong lành, cách xa tiếng ồn, xa những nơi ô nhiễm. Nhưng nơi đi bộ thích hợp chính là công viên hoặc đường nhỏ ít người qua lại.Ngoài ra đường đi cũng cần bằng phẳng,không có sỏi đá tránh bị ngã.

Chọn lựa giầy đi bộ phù hợp, giày đi bộ cần mềm mại, độ đàn hồi tốt, độ cong gập cao, đi lại thoải mái, giúp bảo vệ đôi chân. Đế giày không cao quá 3cm, tránh làm thai phụ đau mỏi lưng hoặc phù chân.

Tốc độ đi bộ không nên quá nhanh, tránh tim đập nhanh, dẫn đến tình cảm không ổn định, điều này sẽ làm mất ý nghĩa của việc đi bộ. Chú ý, đi nhanh cũng dễ xảy ra nguy hiểm . Ngoài ra, thời gian đi bộ không nên quá lâu, thông thường đi khoảng 10-20 phút, 2-3 lần/ngày là được.

Trên đây là những thông tin về thai nhi 6 tuần tuổi mà các bạn nên biết. Mỗi một giai đoạn thai kỳ bé lại có một bước phát triển riêng nên mẹ cần tìm hiểu kỹ các thông tin về sự phát triển của bé để có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Chúc các mẹ và bé thật vui khỏe.

Bình luận 0 Bình luận

Gửi bình luận
quynhtrang
Tác giả: Quỳnh Trang
Chuyên Gia Mẹ và Bé
Cô là một chuyên gia tư vấn sản phẩm mẹ và bé. Cô đã trực tiếp sử dụng và đánh giá nhiều sản phẩm để giúp các mẹ chọn được sản phẩm tốt nhất cho con.
Đọc tiểu sử đầy đủ của Quỳnh Trang

Thông báo