Note ngay 5 món ăn ngon từ rau rêu đá dễ làm tại nhà
Có thể các bạn chưa biết rau rêu đá chính là một trong những đặc sản nổi tiếng của núi rừng Tây Bắc được người dân khá ưa chuộng. Vậy loại thực vật này có hàm lượng dinh dưỡng như thế nào và có thể chế biến được các món ăn nào từ rêu đá, hãy xem qua bài viết dưới đây nhé.
I. Giới thiệu về rau rêu đá là gì?
Xuất xứ và đặc điểm của rêu đá
Có rất nhiều người thắc mắc rằng liệu rêu đá có ăn được không? Rêu đá vốn là một loại thực vật xuất hiện nhiều ở vùng núi Tây Bắc, mọc nhiều ở các gờ đá, chân thác hoặc nơi có nguồn nước chảy mạnh. Đây được xem là món ăn để tiếp đón khách quý của người dân tộc Thái.
Món rêu đá này còn mang ý nghĩa về truyền thuyết của mối tình chung thủy, vì thế nó hay được chế biến thành những món ăn trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái tổ chức mỗi dịp xuân về.
Điểm đặc biệt của loại rau này là nó ưa sống ở những nơi có nguồn nước sạch và sẽ được người dân thu hoạch vào giữa đông, đầu xuân. Đi hái rau rêu đá trở thành nét đẹp văn hóa của người dân tộc Thái, khi cả bản cùng rủ nhau đi đông như trẩy hội.
Rêu đá sau khi hái có thể ăn tươi bảo quản trong 2 - 3 ngày hoặc phơi khô tích trữ dùng dần trong các dịp lễ quan trọng.
Cũng giống như những loại thực vật khác, rêu đá cũng có nhiều loại nhưng được chia thành 3 loại chính như sau:
- Cui là loại rêu có màu sẫm và trông như sợi tóc.
- Cay là loại rêu có màu xanh trông rất tự nhiên, thường mọc rời rạc nhau.
- Tau xuất hiện nhiều ở các khe suối và mọc thành từng mảng.
Công dụng và giá trị dinh dưỡng của rau rêu đá
Vốn là đặc sản của người dân Tây Bắc đặc biệt là người Thái, rêu đá có hàm lượng dinh dưỡng và tác dụng của rêu đá đem lại khiến con người phải bất ngờ.
Rêu đá có hàm lượng chất xơ cao và là thực vật có tính mát nên có tác dụng trong việc điều trị phong hàn, hỗ trợ giải độc cho cơ thể, ổn định huyết áp, giảm lượng mỡ trong máu và lưu thông khí huyết. Ngoài ra bà con ở đây còn dùng rêu đá để trị mụn lưng.
II. Các món ăn có thể làm từ rêu đá
Rau rêu đá có chứa có chất dinh dưỡng cao nên các bạn có thể chế biến đa dạng các món ăn từ loại thực vật. Nhưng trước khi làm bất kỳ món ăn nào bạn cũng cần phải sơ chế nguyên liệu nhé.
Sau khi lượm được rêu, rêu được bỏ vào rổ rồi rũ nhẹ ngàng dưới dòng suối chảy mục đích là nhằm loại bỏ các cành lá mục, cát và tạp chất. Bạn nên thực hiện thao tác này nhiều lần, để rêu đá không bị sạn khi chế biến
Sau đó bạn sẽ vắt khô và cho rêu đá lên một tảng đá phẳng rồi dùng viên đá nhỏ hơn hoặc chày gỗ để đập. Cứ đập xong lại cho rổ đãi lại rồi lại đập tới vài lần rêu mới sạch. Vì thế đây là công đoạn tỉ mỉ và đòi hỏi nhiều công sức cũng như tính kiên nhẫn.
1. Rêu đá chiên giòn
Rêu đá chiên giòn là một trong những món đặc sản trứ xanh của người Thái. Cách chế biến rêu đá chiên giòn không cầu kỳ, nhưng hương vị lại rất đặc biệt, khó quên.
Nguyên liệu:
- Rêu đá
- 2 quả trứng gà
- Bột mì
- Nước lọc
- Hành lá cắt nhỏ
- Gia vị: dầu ăn
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế rêu đá
Sau khi vớt rêu đá, bạn vắt cho bớt nước, rồi ngâm rêu vào nước sạch, dùng tay rửa nhiều lần cho rêu không còn cát sạn. Rửa xong bạn đặt rêu lên mặt phẳng rồi dùng tay đập nhiều lần.
Bước 2: Trộn nguyên liệu
Bạn cho rêu vào chén rồi thêm bột mì vào. Đập vào tô 2 quả trứng, thêm nước lọc và hành lá cắt nhỏ vào rồi trộn đều.
Bước 3: Chiên rêu đá
Bạn cho dầu ăn vào 1/3 chảo, đợi dầu sôi thì bạn cho rêu vào chiên. Đợi rêu chuyển màu vàng nâu và chín đều, bạn vớt ra dĩa.
Rêu đá chiên giòn có màu nâu vàng hấp dẫn. Đây là món ăn mà người Thái thường dùng để chiêu đãi khách quý đến nhà.
2. Rau rêu đá nướng
Món rêu nướng thơm ngon ăn nóng hay ăn kèm với cá suối nướng đều được, rất phù hợp trong các bữa ăn gia đình, gặp mặt bạn bè hoặc làm món nhậu đơn giản tại nhà ngon hết xảy. Chúng ta có thể cùng nhâm nhi với một chén rượu khi ăn rêu nướng hay còn gọi là tau pho nhé!
Nguyên liệu:
- Rêu đá, rau thơm,
- Lá dong, nan tre
- Bếp nướng bằng than hoặc củi
- Gia vị: sả, gừng, bột ớt, hạt dổi, quả muối, hạt sẻn, mắc kén…
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế rêu đá
- Bạn chọn rêu đá sợi mỏng, màu xanh thẫm để món ăn đúng vị thơm ngon
- Làm sạch rau rêu bằng nước để loại bỏ sạn, vò kỹ rêu đá để loại bỏ bã nhòn của phù sa
- Bạn xé tơi rêu đá để đảm bảo gia vị có thể ngấm đều vào món ăn
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
- Sả bóc vỏ già bên ngoài, rửa sạch, băm nhỏ
- Rau thơm rửa sạch, thái nhỏ
Bước 3: Trộn gia vị
Bạn cho các loại gia vị đã chuẩn bị trộn đều với rau rêu. Gia vị là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra hương vị đặc trưng của món ăn này nên bạn nhớ trộn đều để tất cả các loại gia vị ngấm vào rau.
Bước 4: Gói rau để nướng
Sau khi trộn đều, bạn cho hỗn hợp này vào lá dong đã làm sạch, bọc lại cẩn thận bằng nan tre rồi cho lên bếp nướng than hoặc bếp củi để nướng nhé! Bạn nên để lửa riu riu, nướng chín một mặt thì lật sang mặt bên kia nướng tiếp.
Món rêu đá nướng sau khi chín mùi thơm hấp dẫn từ các loại nguyên liệu hòa quyện với nhau kích thích vị giác.
3. Nộm rêu đá
Với những mẻ rêu non, bạn còn có thể dùng làm nộm hay còn gọi lá món tau nửng. Rêu được làm sạch, kết hợp với các loại gia vị như gừng, mùi, mắc khén, muối, mì chính tạo nên món nộm rêu thơm ngon, hấp dẫn.
Nguyên liệu:
- Rêu đá, rau mùi, mùi tàu, lá chanh, tỏi, ớt, rau răm, húng, ...
- Gia vị: Muối, mì chính
Cách làm:
Bước 1: Làm sạch rêu đá
- Bạn làm sạch rêu đá bằng nước để loại bỏ sạn, cát bám vào rêu, vắt kỹ để bỏ nước.
- Bạn dùng chỉ cắt rêu thành những nắm nhỏ, nếu có rác hay dây dựa bám vào bạn bỏ đi nhé. Làm đi làm lại nhiều lần để loại bỏ hết sạn và cặn.
- Sau đó, bạn ngâm rêu đá với nước muối khoảng 15 phút rồi vớt ra, vắt ráo nước nhé!
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
- Lá chanh, rau mùi, húng quế, rau răm rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ
- Tỏi bóc vỏ, đập dập
Bước 3: Trộn nguyên liệu
Bạn cho tỏi, lá chanh, mùi tàu, húng quê, rau răm đã thái nhỏ vào cùng rêu đá đã làm sạch đồng thời nêm gia vị muối, mì chính vừa ăn trộn đều để gia vị quyện đều vào nhau.
Sau khoảng 10-15 phút đảo liên tục và đều tay, hỗn hợp đặc sánh bạn cho ra bát là có thể ăn được nhé! Món rộm rêu đá rất mát, ngọt thanh phù hợp ăn vào những ngày hè nắng nóng.
4. Canh rêu đá
Được thưởng thức bát canh rêu đá nóng hổi trong tiết trời se lạnh, bạn mới cảm nhận được cái thú ẩm thực độc đáo nơi vùng cao Tây Bắc. Hãy tham khảo cách làm canh rêu đá chuẩn hương vị Tây Bắc dưới đây nhé!
Nguyên liệu:
1kg rêu đá, sả, gừng, mắc kén, ớt, tỏi
Cách làm:
Bước 1: Làm sạch rêu đá
Rêu đá rửa với nước tầm 9-10 lần, vắt ráo nước rồi lấy chày đập 2-3 lần và rửa lại với nước vài lần nữa đến khi rêu không còn cát, cặn nhé! Bạn cũng vắt ráo nước rồi dùng dao cắt rêu thành từng khúc ngắn vừa ăn.
Bước 2: Sơ chế các loại nguyên liệu
- Sả tách vỏ già bỏ đi, băm nhỏ
- Gừng làm sạch bỏ vỏ giã nhỏ
- Tỏi bóc vỏ giã nát
- Mắc kén dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn
Bước 3: Nấu canh rêu
Bạn chuẩn bị 1 chiếc nồi có lót lá chuối và cho rêu đã cắt nhỏ cùng các loại nguyên liệu sơ chế ở bước 2 cùng 1 ít muối, mì chính và 1 cốc nước cho vào nồi.
Để rau mềm, bạn có thể cho thêm 1 thìa cafe dầu ăn nữa nhé. Bạn đun trên bếp để lửa nhỏ, khoảng 30 phút là có món canh rau rêu để ăn cùng cơm.
5. Rêu đá xào lá đu đủ
Nguyên liệu:
- 1kg rêu đá
- Đọt đu đủ 200 gr
- Tỏi 5 tép
- Dầu ăn 2 muỗng canh
- Muối/tiêu 1 ít
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Rêu đá bạn làm sạch loại bỏ cặn, bụi bẩn và cát, vắt khô để ráo, sắt thành từng khúc nhỏ
- Lá đu đủ mua về các bạn cắt bỏ phần thân già, nhặt bỏ lá già, sâu (nếu có), sau đó mang đi ngâm nước muối khoảng 15 phút, xả sạch lại nhiều lần với nước rồi để ráo
- Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ
Bước 2:
Bắc chảo dầu lên bếp, cho tỏi vào xào thơm rồi cho rau rêu đá vào đảo đều, tầm 7-10 phút, rêu mềm, bạn cho tiếp lá đu đủ vào chảo xào cùng.
Khi lá đu đủ, rêu chín, bạn nêm gia vị muối, mì chính và 1 ít hạt tiêu vào đảo đều tay để gia vị ngấm vào món ăn.
Bạn tắt bếp, cho món ăn ra đĩa và thưởng thức cùng gia đình nhé!
III. Lưu ý khi chọn và chế biến rau rêu đá
Theo kinh nghiệm của người dân sống ở vùng Tây Bắc thì khi đi tìm rêu, các bạn nên chọn những bãi rêu lớn vì nó sẽ vừa nhiều mà vừa ngon. Để chọn được những rêu đá non, xanh bạn chỉ cần đứng ở dưới suối, hứng nước chảy rồi lấy tay quơ ngang.
Rêu đá có tuổi thọ rất ít, thường chỉ sống trong 7 ngày nên khi rêu đã chuyển sang màu trắng thì sẽ không dùng làm thức ăn được nữa vì lúc đó rau chuyền từ các chất dinh dưỡng thành các chất có hại cho sức khoẻ.
Bên cạnh đó các bạn cũng cần lưu ý khi chế biến rau rêu. Các bạn cần phải loại bỏ hết các tạp chất, bụi bẩn bám trên sau và rêu đá cần được đập dập thì mới chế biến được nhiều món ăn.
Nhưng lưu ý công đoạn đập rêu bạn phải đập sao cho khéo để rêu vừa không bị nát vừa đảm bảo các chất dinh dưỡng của rau.
IV. Tác dụng của rêu đá đối với sức khoẻ
Giảm cholesterol
Rêu bản chất nó vẫn là một loại tảo, giống như các loại tảo biển, rêu đá có các chất vi lượng giúp bổ sung vi chất cho cơ thể. Rêu đá có hàm lượng chất xơ cao giúp làm giảm lượng cholesterol ở trong máu, tránh tình trạng tăng lượng mỡ trong máu.
Chống ung thư
Rêu đá chỉ mọc ở những vùng núi phía Tây Bắc và thường mọc khá ít nên đã trở thành đặc sản của những vùng này. Trong rêu đá, có các chất có thể hỗ trợ và giúp con người phòng chống ung thư nhưng không phải vì thế mà chúng ta coi nó là liều thuốc hỗ trợ mà chỉ là một chất góp phần trong việc chống ung thư.
Tốt cho tiêu hoá
Rêu đá có hàm lượng chất xơ khá cao nên sẽ rất tốt cho hệ tiêu hoá của con người. Tuy nhiên đối với những người có cơ địa dị ứng không nên sử dụng vì có thể bạn sẽ bị dị ứng, tiêu chảy sau khi ăn.
Trên đây là những thông tin giới thiệu về rau rêu đá. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp các bạn có thể biết được về công dụng và cách chế biến món ăn từ thực vật này nhé.
Đăng nhập
Bạn mới biết đến Chanh Tươi Review? Đăng ký
Chúng tôi sẽ gửi đường link lấy lại mật khẩu vào Email của bạn. Vui lòng nhập chính xác Email:
Bình luận 0 Bình luận